Từ vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản:
Cẩn trọng khi vay và cho vay tiền, tài sản
Sáng 23.8, TAND huyện Phù Mỹ xét xử sơ thẩm lần 2 bản án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 10 lượng vàng. Ðến nay, vụ việc kéo dài đã 8 năm, qua 3 lần ra tòa ở 2 cấp xét xử nhưng vẫn chưa thể kết thúc.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nguồn căn của sự việc bắt đầu từ tháng 10.2008, vợ chồng ông Đ.X.T. và bà B.T.Y. (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) viết giấy vay 10 lượng vàng SJC của người hàng xóm mình là bà D. và thế chấp bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do ông Đ.C.- cha ruột ông T. - đứng tên chủ sở hữu. Theo tường trình của bà D., sau đó, mẹ ông T. giao GCNQSDĐ cho bà, còn bà thì giao vàng cho vợ chồng ông T.; trong giấy vay, ngoài chữ ký của vợ chồng ông T. thì còn có chữ ký của ông C.
Sau đó, vợ chồng ông T. không trả vàng và lãi theo thỏa thuận nên vụ việc được đưa ra tòa.
Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm vào tháng 7.2011, Hội đồng Xét xử buộc vợ chồng ông T. và vợ chồng ông C. phải trả 10 lượng vàng gốc và 19,16 chỉ vàng lãi cho bà D. Cụ thể, vợ chồng ông T. trả 5 lượng vàng gốc và 9,58 chỉ vàng lãi; vợ chồng ông C. trả 5 lượng vàng gốc và 9,58 chỉ vàng lãi. Tòa cũng bác khiếu nại của vợ chồng ông C. về việc không trả nợ cho bà D.
Cho rằng bản thân mình không hề ký giấy vay vàng, còn việc thế chấp giấy tờ nhà có thể là do vợ chồng ông T. lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của gia đình nên đã lấy cắp; do đó, ông C. không thừa nhận trách nhiệm của mình và kháng cáo. Đây cũng chính là lý do tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, Hội đồng Xét xử TAND tỉnh đã hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Phù Mỹ giải quyết lại.
Một diễn biến khác, vợ chồng ông T. vì có liên quan đến một vụ án khác, hiện đang thi hành án tại Trại giam Kim Sơn, nên viết giấy hẹn khi nào chấp hành xong án tù thì sẽ trả nợ cho bà D. Về phần mình, ông C. khẳng định, ông không hề ký giấy vay vàng; do đó, ông không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho vợ chồng con trai mình.
Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự do TAND huyện Phù Mỹ xét xử diễn ra vào ngày 23.8, hai bên liên quan đều khăng khăng bảo vệ lý lẽ của mình khiến Hội đồng Xét xử liên tục nhắc nhở cần bình tĩnh và giữ trật tự.
Với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan và được ông C. ủy quyền, ông V. (con trai ông C.) cho rằng: “Cha tôi đã mất khả năng lao động (thời điểm được cho là ký giấy vay vàng ông C. đã 81 tuổi - PV) và cũng không có tài sản gì. GCNQSDĐ tuy mang tên ông nhưng ông đã cho lại các con (có giấy viết tay). Hơn nữa, ai vay thì người đó trả và có thể vợ chồng anh trai tôi đã lấy trộm GCNQSDĐ của gia đình để thế chấp cho bà D. nên yêu cầu bà D. phải trả lại giấy tờ nhà cho gia đình tôi”.
Hội đồng Xét xử hỏi GCNQSDĐ trước đây do ai giữ, ông V. trả lời là giấy này được cất một chỗ nên ai trong gia đình cũng lấy được. “Vậy thời điểm nào mấy anh em ông phát hiện không có GCNQSDĐ trên?” - tòa hỏi. “Là lúc bà D. khởi kiện việc vay mượn của vợ chồng ông T.” - ông V. đáp.
Trong khi đó, bà D. cũng khẳng định, việc vay mượn này có sự góp mặt của vợ chồng ông C. mà bằng chứng là chính vợ ông C. giao GCNQSDĐ cho bà. Còn ông C. là người ký giấy vay, vàng thì sau đó bà giao cho vợ chồng T. Bà D. nêu yêu cầu: “Trả lại cho tôi 10 lượng vàng SJC và lãi thì tôi sẽ trả lại giấy tờ nhà, đất”.
Trong giấy vay vàng ghi thời hạn vay là 6 tháng và trả lãi hàng tháng. Tuy nhiên, từ khi cho vay đến nay, đã gần 8 năm, bà D. không hề nhận được lãi cũng như nợ gốc. Điều này khiến bà D. bức xúc: “Tôi cho vay vì nghĩ là hàng xóm của nhau, lại có ông C. đứng ra đảm bảo cho vay để làm ăn. Hơn nữa, tôi nghĩ thêm chút tiền lãi để nuôi con, nhưng đâu ngờ…”.
Kết thúc phiên tòa dân sự sơ thẩm, Hội đồng Xét xử buộc bà D. phải trả lại GCNQSDĐ cho gia đình ông C., buộc vợ chồng ông T. trả lại 10 cây vàng SJC cho bà D. và bác yêu cầu tính lãi của bà D. Tuy nhiên, bà D. không đồng ý và cho biết sẽ kháng cáo bởi cho rằng: “Quyết định này không thỏa đáng. Nếu tôi giao lại GCNQSDĐ thì lấy gì đảm bảo họ sẽ trả lại 10 cây vàng cho tôi?”.
Vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà D. và vợ chồng ông T. cùng vợ chồng ông C. đã 3 lần được đưa ra tòa, qua 2 cấp xét xử nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Cho dù mỗi phiên xử là một phán quyết khác nhau, đây vẫn là bài học cho các cá nhân trong việc vay mượn, thế chấp tài sản.
KIỀU ANH