TP Hồ Chí Minh:
Nghệ thuật hát bội - Vất vả sống còn!
Thời buổi này, còn được bao nhiêu khán giả hiểu biết, mê nghệ thuật hát bội? Mà nếu có công chúng yêu thích, muốn tìm hiểu loại hình nghệ thuật tuồng cổ này cũng không biết đến đâu để thưởng thức. Trong thực tế, con đường phát triển, phát huy các giá trị nghệ thuật tuồng cổ độc đáo này đang co cụm dần giữa sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình công nghệ giải trí.
Chập chờn đèn sân khấu
Nhiều năm qua, nghệ thuật hát bội tại TPHCM không có được một sân khấu đàng hoàng để phục vụ khán giả. Trước đây, từ năm 2000 đến năm 2005, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM đã cố gắng duy trì các suất diễn tại Nhà hát thành phố, mỗi tháng diễn một vở, nhưng sau đó phải buông vì không có kinh phí để nhà hát sáng đèn. Và từ đó đến nay, các suất diễn hát bội chỉ hoạt động rôm rả vào đúng dịp lễ cúng kỳ yên hàng năm ở các đình, miếu. Bên cạnh đó là 16 suất diễn định kỳ phục vụ các quận huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, theo lịch phân bổ của Sở VH-TT-DL TPHCM. Có tháng, anh em nghệ sĩ nhà hát diễn liên tục 8 - 9 suất, thì với vài suất còn lại, sân khấu lưu động của nhà hát sẽ sáng đèn chập chờn trong suốt năm cho đủ chuẩn quy định.
Mặt khác, dù nhà hát cũng nỗ lực thực hiện dàn dựng mỗi năm 4 vở tuồng (2 vở mới, 2 vở cũ được dàn dựng nâng cao) để thu truyền hình, phát sóng phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ, nhưng không phải năm nào nhà hát cũng được thu hình đủ 4 vở vì còn phải lệ thuộc vào nhà đài. Khoảng 3 năm gần đây, nghệ thuật hát bội may mắn có được một sân khấu nhỏ, anh em nghệ sĩ diễn liên tục vào những ngày cuối năm (từ 26.12 đến 1.1 Tết Dương lịch) tại Công viên 23-9. Sân khấu thời vụ này tuy rất khiêm tốn nhưng cũng tạo được dấu ấn với một lượng khán giả thành phố cũng như du khách theo dõi, thưởng thức, yêu thích và cổ vũ nồng nhiệt. Điều này cũng chứng tỏ sân khấu nghệ thuật hát bội vẫn còn có sức hút đối với công chúng nội đô và khách du lịch quốc tế. Nhưng, để có được một sân khấu - một điểm diễn định kỳ phục vụ khán giả yêu thích nghệ thuật tuồng cổ thì thật là điều không thể thực hiện trong tình hình chung thiếu các rạp hát tại TPHCM như hiện nay.
Chật vật đời nghệ sĩ
Rạp Long Phụng, nơi ở chính của nhà hát hiện nay, đã xuống cấp trầm trọng (nhưng không thể sửa chữa), anh em nghệ sĩ tập tuồng, diễn báo cáo trên sân khấu tạm, bên dưới chuột chạy rần rần như chốn không người, tường nứt, rong rêu bám đầy, nhiều chỗ thấm nước loang lổ… Đã vậy, đời sống nghệ sĩ chật vật với đồng lương và cát-sê ít ỏi (45.000 - 100.000 đồng/suất diễn) đã khiến đa số nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái mới có thể bám trụ và nuôi dưỡng được lửa nghề. Ngay cả các diễn viên trẻ cũng phải tất bật kiếm thêm công việc làm ngoài giờ để trang trải cuộc sống, để được tiếp tục thực hiện niềm đam mê nghệ thuật. Một cái khó nữa là mặt bằng chung về trình độ học vấn của các diễn viên trẻ còn thấp, nhiều em chưa tốt nghiệp cấp 3. Bởi do mê diễn xuất nên việc học dang dở và dù rằng tay nghề của các em đã được học tương đương bằng trung cấp nghề nhưng cũng không được nhìn nhận bằng văn bằng chính thức. Đó cũng là sự thiệt thòi cho thế hệ nghệ sĩ kế thừa khi muốn phát triển nhiều hơn trên con đường làm nghề.
NSƯT Ngọc Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Làm nghề đã mấy chục năm, tôi thấy thương bản thân mình và xót xa, chạnh lòng trước tình cảnh của nhà hát cũng như đời sống anh em nghệ sĩ! Mình làm nghề sân khấu cũng như những lĩnh vực nghệ thuật khác, nhưng thấy khán giả cứ dần rời xa, nghệ thuật cổ truyền này lại khó hòa nhập và phát triển như những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác trong cuộc sống hiện đại hôm nay, thấy vậy, cảm nhận vậy, rồi buồn! Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật cổ truyền này vẫn luôn là vốn quý, cần và phải tiếp tục được giữ gìn. Chính vì niềm tin tưởng đó cùng với tinh thần đoàn kết, lòng yêu nghề và sự sẻ chia để cùng mạnh mẽ vượt qua khó khăn của anh em nghệ sĩ nhà hát đã giúp nhà hát trụ vững chắc, tiếp tục làm nghề, giữ nghề và truyền nghề...”.
Khao khát có được sân khấu đúng chuẩn, chuyên nghiệp để thúc đẩy hoạt động biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật, tăng cường công tác quảng bá loại hình nghệ thuật dân tộc này đến với công chúng, thu hút khán giả… luôn là nỗi niềm trăn trở của bao thế hệ nghệ sĩ hát bội đã nghỉ hưu và đang tiếp tục gắn bó với nghề. Hy vọng với định hướng sát nhập Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM với Nhà hát Trần Hữu Trang và cơ ngơi là Trung tâm nghệ thuật Hưng Đạo dự kiến sẽ xây xong trong khoảng 2 năm tới sẽ là nhà mới, sân khấu khang trang, địa điểm sinh hoạt ổn định, giúp nghệ thuật hát bội có nhiều điều kiện phát triển hơn.
. Theo THÚY BÌNH (SGGPO)