Công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở huyện Tuy Phước: Kết quả bước đầu đáng khích lệ
Tuy Phước là vùng đất có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khá đặc sắc. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các loại hình di sản này trên địa bàn huyện được quan tâm và đã có được một số kết quả đáng khích lệ.
Điểm nổi trội của Tuy Phước so với nhiều địa phương khác, trong công tác bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, là việc tổ chức các lễ hội truyền thống được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng từ huyện đến cơ sở quan tâm định hướng, tạo điều kiện tổ chức. Đặc biệt ở đó người dân giữ vai trò tích cực, tự nguyện, chung tay góp sức trong tổ chức.
Nhiều lễ hội được tổ chức tốt
Lễ hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước) mấy năm gần đây có khu vực tổ chức được đầu tư tôn tạo đẹp và rộng rãi hơn, hoạt động cũng phong phú hơn trên cơ sở kết hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như tuồng, bài chòi, bả trạo, võ cổ truyền.
Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước tổ chức cho các xã, thị trấn đánh bài chòi cổ trong Lễ hội Chợ Gò Tết Bính Thân 2016.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn (xã Phước Quang) nhờ bảo tồn tốt, được Sở VH-TT&DL chọn triển khai Dự án văn hóa phi vật thể năm 2013, trong đó có “điểm nhấn” phục dựng nghi thức đặc sắc rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục, vốn mai một từ hơn nửa thế kỷ. Đáng ghi nhận nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục tiếp tục được duy trì trong các Lễ hội Đô thị Nước Mặn trong những năm qua, góp phần “tô đậm” thêm những sắc màu văn hóa truyền thống, dù việc tổ chức phải đầu tư nhiều hơn.
Một lễ hội truyền thống khác được bảo tồn, phát huy tốt là lễ hội cầu ngư ở vạn chài Bình Thái (xã Phước Thuận). Lễ hội này được Sở VH-TT&DL chọn thực hiện Dự án văn hóa phi vật thể từ cách đây gần 10 năm. Đội bả trạo thôn Bình Thái trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ, không chỉ trình diễn ở lễ hội cầu ngư ở địa phương, mà còn được mời tham gia nhiều hoạt động lễ hội, thi tài ở huyện, tỉnh.
Các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như võ cổ truyền, tuồng, dân ca bài chòi… cũng đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng gìn giữ của đông đảo người dân. Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuy Phước đều xây dựng được lực lượng “hạt nhân” tâm huyết, giỏi chuyên môn để đóng góp tích cực cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
“Hằng năm, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước luôn tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các lễ hội Chợ Gò, Đô thị Nước Mặn theo hướng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch triển khai Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tuy Phước giai đoạn 2016-2020”, ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước phấn khởi cho biết.
Lan tỏa ý nghĩa, giá trị nhân văn của lễ hội
Tại Lễ hội Chợ Gò trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước lần đầu tiên tổ chức thành công hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, được người dân ủng hộ. Từ đó, hội đánh bài chòi cổ được duy trì tổ chức tại các lễ hội lớn hằng năm trên địa bàn huyện. Ngoài ra, một số địa phương, doanh nghiệp cũng đã tạo điều kiện tổ chức các hội đánh bài chòi cổ, góp phần lan tỏa đến đông đảo mọi người hơn.
Thành công này xuất phát từ sự quan tâm của Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước cử các cán bộ tham gia lớp tập huấn do Sở VH-TT &DL tổ chức, đồng thời huy động lực lượng nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản. Các hiệu là cán bộ Trung tâm như Nguyễn Phú, hay Nghệ nhân ưu tú Minh Liễu đã tham gia đóng góp tích cực cho các hội đánh bài chòi cổ ở địa phương và của tỉnh.
Đầu năm 2016, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước tổ chức lớp tập huấn hô, hát bài chòi cổ dân gian cho 40 học viên là hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ ở các xã, thị trấn. Đến nay, sau TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước được đánh giá hưởng ứng thực hiện hiệu quả bảo tồn hội đánh bài chòi cổ.
Trong số 18 nghệ nhân ở các địa phương trong tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I - 2015, huyện Tuy Phước vinh dự có đến 4 nghệ nhân: Nguyễn Thị Minh Liễu (bài chòi dân gian), Huỳnh Thị Kim Chung (hát bội), Trương Văn Vịnh (võ cổ truyền), Hồ Thanh Long (bả trạo).
Nhiều người tham gia tập huấn có năng khiếu, tiềm năng về hát dân ca bài chòi. Sau tập huấn, những hạt nhân này là nòng cốt ở các địa phương tham gia thi hội đánh bài chòi cổ được Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước tổ chức tại Lễ hội Chợ Gò trong dịp Tết Bính Thân 2016. Qua đó, Trung tâm tuyển chọn, hướng dẫn thêm để xây dựng được đội ngũ khoảng 20 hiệu bài chòi cổ có chất lượng ở các địa phương trong huyện.
Ông Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XII - 2016, Trung tâm đã mạnh dạn tuyển chọn phần lớn các gương mặt hiệu mới, trong đó có một số em nhỏ tuổi, mạnh dạn cho cọ xát thi tổ chức hội đánh bài chòi cổ giữa các huyện, thành phố trong tỉnh. Chúng tôi được khích lệ tinh thần khi huyện Tuy Phước đoạt giải Nhì phần thi này. Và điều khiến chúng tôi vui mừng nhiều hơn là người dân - không chỉ ở Tuy Phước mà từ nhiều nơi khác ngày càng quan tâm dự hội nhiều hơn, hiểu về ý nghĩa của lễ hội mà chúng tôi tổ chức nhiều hơn!”.
Điểm đáng vui mừng là từ việc dự hội, ngày càng có thêm nhiều người dân đã quan tâm hơn đến ý nghĩa, giá trị văn hóa của sự kiện. Nếu một thanh niên dự Lễ hội Chợ Gò đến năm thứ 2, thứ 3, chắc chắn người thanh niên ấy có thể trao truyền cho lứa đàn em mình khá nhiều thông tin và tinh thần nhân văn của lễ hội.
HOÀI THU