Chào mừng Ngày truyền thống ngành TT&TT Việt Nam (năm đầu tiên - 28.8.2016):
Hành trình 10 năm vững vàng
Là đơn vị quản lý đa lĩnh vực, với điểm xuất phát hoàn toàn mới, chỉ sau hơn 10 năm, ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Bình Ðịnh đã có bước trưởng thành và phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch trong sự nghiệp phát triển, Sở TT&TT đã tập trung xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt 3 quy hoạch quan trọng: Quy hoạch phát triển Bưu chính, viễn thông; Quy hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2005- 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quy hoạch báo chí in tỉnh Bình Định đến năm 2020. Hiện nay đang xây dựng 2 quy hoạch về Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025; Phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, từ công tác tham mưu của Sở TT&TT, qua 10 năm, UBND tỉnh đã ban hành 14 Đề án, 15 Chỉ thị, 25 Quyết định, hơn 50 kế hoạch quản lý và phát triển trên lĩnh vực TT&TT.
Sở TT&TT là một trong những đơn vị tham gia phối hợp tổ chức Hội báo Xuân hằng năm của tỉnh.
- Trong ảnh: Độc giả tham quan và đọc báo tại Hội báo Xuân Bình Định 2016. Ảnh: VĂN LƯU
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Trên lĩnh vực CNTT, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (CQNN) có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các CQNN được nâng cấp theo hướng đầu tư tập trung và đồng bộ. Đến nay, 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể và chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn đã được trang bị máy tính, kết nối internet; 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện có mạng nội bộ; 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Hệ thống văn phòng điện tử.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến được triển khai đến các cơ quan nhà nước của tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 cho một số thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng tại 13 điểm cầu, phục vụ tốt các cuộc họp trực tuyến của tỉnh với Trung ương và các địa phương, qua đó đã mang lại hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet, so với năm 2005, mật độ thuê bao di động tăng 25 lần (đạt 106 máy/100 dân); thuê bao internet tăng 46 lần; số Trạm BTS tăng 24,6 lần (hiện có 1.110 trạm). Bán kính phục vụ mạng Bưu chính đạt 3,03 km/điểm phục vụ; 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới của ngành. Báo Đảng và thư tín đến được với hầu hết các xã trong ngày.
Báo chí, xuất bản phát triển vượt bậc
Trên lĩnh vực báo chí và xuất bản, hơn 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô. Hiện nay, Bình Định có 2 cơ quan báo chí cấp tỉnh, trong đó Báo Bình Định có ấn phẩm báo in và báo điện tử; Đài PT-TH tỉnh tiếp tục được đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ, triển khai Đề án số hóa và phát sóng trên vệ tinh VNASAT 2.
Hiện trên địa bàn có 6 văn phòng đại diện, 5 phóng viên thường trú và một số phóng viên, cộng tác viên các báo, tạp chí Trung ương và tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn; có gần 200 phóng viên, biên tập viên, gần 300 cộng tác viên của các cơ quan báo chí tỉnh và Trung ương và 185 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhìn chung, các cơ quan báo chí, xuất bản đã đồng hành với sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bình Định.
Hiện nay, Bình Định có 11 Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; 159 Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và 5 đơn vị truyền hình trả tiền với hơn 115 kênh truyền hình cung cấp cho người dân những nội dung phong phú về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí và trên 60.000 thuê bao đang sử dụng.
Trên lĩnh vực PT-TH, Sở TT&TT thường xuyên theo dõi và hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền, nhằm thực hiện mục tiêu đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa thông tin về cơ sở. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách điều chỉnh chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh ở cơ sở và định hướng đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị truyền thanh tại một số địa bàn trọng điểm.
Năng động, sáng tạo hướng đến tầm cao mới
Phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, thời gian đến, ngành TT&TT sẽ tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, viễn thông, nâng cao chất lượng đường truyền, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; nâng cao chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình; tiếp tục chỉ đạo định hướng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy hoạch hệ thống báo chí, in phù hợp với quy hoạch báo chí in toàn quốc và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; phấn đấu phát triển CNTT của tỉnh đạt trình độ khá trong cả nước; tiếp tục góp sức vào công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương Bình Định.
Mới đây, Bộ TT&TT đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho lấy ngày 28.8 là Ngày truyền thống ngành TT&TT. Năm 2016 là năm đầu tiên tổ chức ngày truyền thống của Ngành. Cơ sở của đề xuất: Ngày 28.8.1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các Bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ TT&TT bây giờ.
* Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực CNTT đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước về cả cơ chế và tổ chức, tách ra khỏi công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh. Ngày 21.2. 2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2005/QÐ-UB thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông Bình Ðịnh (nay là Sở TT&TT).
* Sau hai lần bổ sung nhiệm vụ (năm 2008, 2009), Sở TT&TT là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện công nghệ thông tin (CNTT); điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin đối ngoại; bản tin thông tấn; thông tin cơ sở; hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT.
SAO LY