Phá rừng để... trồng rừng!?
Ðó là thực tế không biết nên “cười hay khóc” đã và đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh ta.
Mấy năm gần đây, do giá keo tăng cao, người trồng keo có thu nhập đáng kể đã trở thành liều thuốc kích thích nhiều người dân đổ xô phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất trồng keo. Tại nhiều địa bàn, việc tranh giành đất trồng keo còn dẫn đến những tình huống phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Theo số liệu ghi nhận được của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 198 vụ phá rừng, diện tích gần 256 ha; 125 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích 87,4 ha. Các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nói trên chủ yếu là để lấy đất trồng rừng kinh tế với cây keo là chủ lực.
Ðể ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép trồng keo nói trên, nhiều địa phương đã tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân, tổ chức lực lượng ngăn chặn, nhổ bỏ cây đã trồng, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm… nhưng tình hình vẫn hết sức phức tạp. Ðáng lưu ý là số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý “đến nơi đến chốn” hết sức hạn chế.
Tại cuộc họp chiều 24.8 với ngành kiểm lâm và các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, tình hình phá rừng đang diễn biến hết sức phức tạp có nguyên nhân chính là do một số Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và ngành chức năng còn buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Do đó, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý cụ thể đối với các cá nhân, đơn vị để xảy ra nạn phá rừng theo hướng kiên quyết, nghiêm minh không có ngoại lệ. Cán bộ, đảng viên vi phạm hay bao che cho vi phạm, cán bộ nhà nước nào đứng sau chỉ đạo, lấn chiếm phá rừng đều phải bị điều tra, xử lý theo pháp luật.
Hy vọng rằng sau chỉ đạo kiên quyết này của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan có trách nhiệm và các địa phương sẽ “vào cuộc” một cách khẩn trương, quyết liệt để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Mục tiêu cụ thể trước mắt cần thực hiện cho bằng được là chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng keo tràn lan như đã diễn ra.
Tuy nhiên, liên quan đến việc trồng rừng bằng cây keo tràn lan như lâu nay còn có một vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái cũng hết sức đáng quan tâm. Theo thông tin phản ánh từ nhiều người dân ở các địa phương, tại nhiều nơi trồng keo đã có biểu hiện ảnh hưởng đến nguồn nước tự nhiên trên địa bàn. Có nơi trước đây là rừng tự nhiên hay đất lâm nghiệp thì có dòng suối chảy quanh năm, nhưng sau khi trồng keo thì dòng suối khô cạn không còn nước nữa. Nguồn nước ở các giếng đào cũng ngày càng cạn hơn so với trước khi có trồng keo.
Ðây là vấn đề mới nảy sinh đáng để chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng “vào cuộc” để xem xét, đánh giá và cần sớm có kết luận về tác động của việc trồng keo đối với môi trường sinh thái tự nhiên. Coi chừng việc “phá rừng để… trồng rừng keo” không chỉ gây tình hình phức tạp trước mắt mà còn để lại hệ lụy lâu dài đối với môi trường sinh thái!
H.Đ