Không đánh đổi!
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường diễn ra hôm 24.8 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế bằng mọi giá. Trái lại, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để bảo vệ môi trường, phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng bảo vệ môi trường bền vững.
Trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phức tạp với nhiều sự cố nghiêm trọng gây bất ổn xã hội đã diễn ra tại nhiều địa bàn trên cả nước. Một trong những điều nổi cộm rất bức xúc là tình trạng ô nhiễm môi trường (nước, không khí, chất thải…) nghiêm trọng tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung, làng nghề đã và đang ngày càng lan rộng. Với Bình Ðịnh, tuy chưa đến mức báo động như nhiều địa phương khác nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm sản xuất công nghiệp, một số làng nghề trên địa bàn tỉnh ta gần đây cũng đã bộc lộ các tác động tiêu cực về mặt xã hội, cần cảnh báo để có giải pháp khắc phục trước khi quá muộn.
Thực tế cho thấy, các “điểm nóng” về môi trường luôn gây hệ quả xấu về nhiều mặt, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân khu vực bị ảnh hưởng. Ðã có những vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những “điểm nóng” về trật tự xã hội. Ðặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, du lịch… mà còn làm xáo trộn về an ninh trật tự, tạo tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Thực trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường đặt ra những thách thức cho phát triển kinh tế xã hội, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý lĩnh vực đang hết sức “nóng” này. Thực tế cho thấy việc tìm kiếm giải pháp có thể giải quyết cơ bản vấn đề môi trường ở các địa phương trong điều kiện hiện nay là hết sức nan giải. Ðể phát triển kinh tế thì phải tăng mức khai thác, sử dụng tài nguyên và nguồn thải càng lớn. Với các ngành sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, công nghệ sản xuất lạc hậu thì việc xử lý môi trường càng khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn.
Ðể giải được bài toán vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường rõ ràng chúng ta cần phải có giải pháp hợp lý để đảm bảo hài hòa các mục tiêu, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ðối với các dự án trong các lĩnh vực không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… cần kiên quyết “nói không” với dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, chỉ chấp nhận với dự án có công nghệ cao gắn với chế biến sâu và có công nghệ xử lý môi trường hiện đại, hiệu quả.
Ðặc biệt, trong thu hút đầu tư phải hết sức chú trọng đến khâu đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhất là nguồn thải, công nghệ xử lý chất thải nguy hại... từ trước khi phê duyệt để tránh hệ lụy về sau. Chuyện mới đây tỉnh ta kiên quyết dừng một dự án đã được cấp phép triển khai, do nhận thấy có thể có những vấn đề tác động tiêu cực đến môi trường, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân…khi dự án đi vào hoạt động, đã được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Nói tóm lại, để phát triển bền vững đã đến lúc chúng ta buộc phải thay đổi tư duy phát triển. Ðó là kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế để rồi gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Bởi vì, suy cho cùng thì phát triển kinh tế là để phát triển xã hội, để mọi người dân có điều kiện sống tốt hơn trong một môi trường trong lành, tươi đẹp. Vậy thì tại sao phải đánh đổi để lấy cái lợi trước mắt rồi phải trả giá đắt cho cái hại lâu dài?
Hải đăng