“Ngựa chứng” vùng quê và hậu quả khôn lường
Chỉ vì không vừa lòng về thái độ của nhau tại một quán nhậu mà giữa hai nhóm thanh niên đã xảy ra cuộc rượt đuổi bằng xe máy và đánh nhau bằng hung khí kéo dài 2 tiếng đồng hồ giữa đêm khuya, làm náo loạn cả một vùng quê. Và trận đánh nhau chỉ kết thúc khi án mạng xảy ra.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Ngày 26.8.2016, tại Trung tâm Văn hóa thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử lưu động đối với các bị cáo: Tạ Công Chí, Nguyễn Quốc Việt, Ngô Tứ Quỳnh (cùng ở xã Ân Thạnh); Nguyễn Phúc Nguyên, Bùi Văn Tường, Huỳnh Chí Linh, Trần Anh Triều, Bùi Long Hậu (cùng ở xã Ân Đức); Huỳnh Thế Minh (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) về tội giết người; các bị cáo: Hồ Ngọc Vương, Nguyễn Quốc Dũng, Mai Nhật Lâm, Mai Hồng Vĩnh, Thời Minh Trường, Trần Văn Tin, Huỳnh Xuân Lượng, Nguyễn Đoàn Thanh Vũ (cùng ở Ân Tường Tây); Nguyễn Văn Tiến (ở xã Ân Đức) về tội gây rối trật tự công cộng. 18 bị cáo đều còn rất trẻ, chỉ từ 18 - 24 tuổi.
Những “anh hùng rơm”
Hội trường Trung tâm Văn hóa thị trấn Tăng Bạt Hổ với sức chứa khoảng 500 người chật kín chỗ, phía bên ngoài sân, người theo dõi phiên tòa cũng đến vài trăm.
Vợ chồng ông Võ Văn Hoàng (xã Ân Đức), dắt theo con trai 17 tuổi đến dự tòa, cho biết: “Nghe thông tin từ trước nên vợ chồng tôi thu xếp công việc nhà, đưa con đến dự. Phần đi cho biết, phần để giáo dục con một cách cụ thể. Chưa bao giờ người dân chúng tôi tham dự một phiên tòa lưu động mà có đông bị cáo và cũng đông người xem đến như vậy”.
Sự việc xảy ra đã gần 1 năm, gây hoang mang dư luận địa phương trong một thời gian dài và “dư chấn” vẫn còn đến nay. Chiều tối ngày 29.8.2015, nhóm của Nguyên và nhóm của Vương cùng ăn nhậu tại một quán ốc ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Giữa hai nhóm không vừa lòng về lời nói, thái độ của nhau nhưng không xảy ra xô xát.
Đến khoảng 22 giờ 30 phút, trên đường về, nhóm của Vương ép xe một người trong nhóm Nguyên và hỏi: “Lũ bay có phải mấy thằng ở quán ốc lúc nãy không?”, rồi dùng chân đạp, khiến 2 người trong nhóm của Nguyên bỏ xe lại chạy bộ. Nhóm của Vương tiếp tục đi về hướng ngã ba Gò Loi thì gặp Nguyên và Hướng đứng bên đường. Nghĩ rằng nhóm Nguyên chặn đường đánh mình nên nhóm Vương tấp vào đánh trước.
Sau khi bị đánh, nhóm của Nguyên tập hợp lực lượng và sử dụng hung khí truy tìm, rượt đuổi để đánh trả. Đến khoảng 24 giờ cùng ngày, Nguyên chở Chí, Tường đi từ hướng Ân Tường về thị trấn Tăng Bạt Hổ thì phát hiện nhóm của Vương chạy ngược chiều, nên Nguyên áp sát xe vào xe Phạm Hoài Khương (15 tuổi) đang chở theo Vĩnh, Trường. Chí ngồi sau xe Nguyên la lớn: “Tao chém chết tụi bay luôn”. Nói rồi Chí đứng lên khỏi yên xe, vung rựa chém mạnh một nhát trúng vùng cằm, cổ của Khương, khiến Khương bị đứt bó mạch cảnh hai bên, đứt khí quản gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, chết tại chỗ.
Tại tòa, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử rằng, trước giờ có mâu thuẫn gì với thanh niên xã Ân Tường Tây không, thì các bị cáo đều thừa nhận không hề mâu thuẫn gì, nhưng do bức xúc nên mới dẫn đến đánh nhau.
“Bị cáo suy nghĩ gì mà hành động như vậy?”- chủ tọa hỏi. Chí trả lời: “Do hai bên đều có hung khí nên nếu bị cáo không làm gì thì có thể bên đối phương cũng đánh lại”. “Vậy các bị cáo khác có mâu thuẫn gì không mà nghe rủ đi đánh nhau là đi?” - chủ tọa tiếp tục hỏi. Các bị cáo đều trả lời là nghe rủ đi thì đi thôi (!).
Chăm chú theo dõi phiên xử, ông Nguyễn Văn Ngót (69 tuổi, ở xã Ân Đức), cám cảnh: “Chỉ nghe lại lời khai của các bị cáo tại tòa thôi mà tôi lạnh cả người. Dao rựa đâu mà có sẵn để rồi rủ nhau đi đánh người, giết người như chặt cái cây, ngọn cỏ. Mấu chốt dẫn đến đánh nhau cũng chẳng có gì, vậy mà kéo cả hội đi chém, giết như trong phim vậy”.
Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là sai trái. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm gây án, các bị cáo đều không nghĩ đến hậu quả mà chỉ muốn thể hiện bản lĩnh của mình, như thừa nhận của Chí: “Lúc đó bức xúc vì nghe bạn bị đánh, bị ép xe; hơn nữa, bị cáo chỉ nghĩ nếu lúc đó không làm vậy thì sẽ khó thoát được. Chỉ sau khi bị bắt giam, bị cáo mới nhận thấy việc làm của mình là sai”.
Và hậu quả nặng nề
Trong vụ án này, dù Chí là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, nhưng Vương mới chính là người khơi nguồn cuộc ẩu đả. Nếu như việc chỉ dừng lại ở quán ốc thì hậu quả người chết, kẻ phải vào tù đã không xảy ra.
Hội đồng xét xử nhận định, việc trừng trị các bị cáo theo pháp luật là điều tất nhiên; nhưng từ vụ án này có thể thấy, mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm và giáo dục con cái của mình. Đây cũng là bài học cho thanh thiếu niên trong việc tu dưỡng, rèn bản thân mình. Trong vụ án này, có những bị cáo vừa mãn hạn tù, có bị cáo đang thi hành án tù treo, thế nhưng, vẫn hành động hung hăng và bất chấp pháp luật.
Mức án chung thân dành cho bị cáo Chí và các bị cáo: Nguyên - 18 năm tù giam; Tường, Linh, Triều - cùng 15 năm tù giam; Hậu - 12 năm tù giam; Minh - 9 năm tù giam; Việt - 8 năm tù giam; Quỳnh - 7 năm tù giam; các bị cáo còn lại chịu mức án từ 9 đến 12 tháng tù giam, không chỉ là bài học cho chính các bị cáo mà còn cho tất cả những ai coi thường pháp luật.
Trong phiên xử, Hội đồng xét xử cũng chỉ rõ hành vi của các bị cáo là rất hung hăng, từ việc rủ rê đồng bọn đến chuẩn bị hung khí đi đánh nhau; cho thấy các bị cáo bất chấp hậu quả mà chỉ cần thỏa mãn cái tôi côn đồ của mình, như lời vị đại diện Viện KSND tỉnh, giữ quyền công tố tại tòa: “Rựa dài 1m, phần lưỡi rựa dài 30cm, là dụng cụ để làm rẫy, chặt cây, chứ không phải dùng để giết người”.
Còn một người dân chứng kiến cảnh rượt đuổi trong đêm khuya của các bị cáo, thì kể: “Khi thấy có nhiều người lái xe chạy trên đường vào giữa đêm khuya và mang theo hung khí, tôi đã can ngăn, hỏi mấy đứa ở đâu mà mang theo dao rựa trong đêm như vậy. Sau đó, tôi điện báo Công an xã. Tuy nhiên, vì mọi việc diễn ra nhanh quá nên cơ quan công an đã không kịp ngăn chặn”.
Không giống với suy nghĩ của nhiều người, tại tòa, nén nỗi đau mất con, cha mẹ nạn nhân nói: “Chuyện đau lòng cũng đã xảy ra, do đó, về bồi thường vật chất cứ theo quy định của pháp luật là được. Riêng về hình thức xử phạt đối với các bị cáo, chúng tôi biết tuổi các cháu còn quá nhỏ, ngoài trách nhiệm của bản thân các cháu về hành vi phạm tội của mình, còn có trách nhiệm của gia đình và xã hội, nên tôi muốn đề nghị xử ở mức đủ răn đe, để các cháu còn có cơ hội cải tạo và trở về làm lại cuộc đời”.
KIỀU ANH