15 năm thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”:
Đổi thay diện mạo đời sống văn hóa ở cơ sở
15 năm qua (2000 - 2015), cùng với cả nước, tại Bình Ðịnh, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH) đã được các cấp ủy Ðảng, chính quyền, ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện. Với sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ và tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Phong trào đã có tác động tích cực, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân ở cơ sở.
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH (gọi tắt là Phong trào) diễn ra ngày 24.8 tại TP Quy Nhơn, Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh đã có những đánh giá như trên về hiệu quả triển khai thực hiện Phong trào trên toàn tỉnh.
Cộng đồng các dân tộc Kinh, Bana, Chăm, Thái cùng vui chơi tại Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tại xã Canh Thuận, huyện Vân Canh.
Danh hiệu văn hóa tăng, thiết chế văn hóa được bổ sung, nâng cấp
Có thể nói, việc mỗi hộ gia đình, đơn vị, địa phương tự nguyện đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa hay Cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp văn hóa hay Làng, thôn, khu phố văn hóa và nỗ lực hoàn thiện mình để đáp ứng các tiêu chí công nhận chính là một trong những biểu hiện cụ thể, sinh động nhất cho thấy sức lôi cuốn của Phong trào đối với toàn xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 368.240/385.073 hộ đăng ký xây dựng, chiếm tỉ lệ 95,62%; số hộ được công nhận hiện là 351.392 hộ. Tương tự, ở đơn vị văn hóa con số là 1.182/1.575, hiện có 1.012 đơn vị đạt danh hiệu. Đạt tỉ lệ 100% với 1.121/1.121 khu dân cư đăng ký xây dựng; tuy nhiên, không chạy theo thành tích, công nhận tràn lan, dễ dãi, số được công nhận Làng, thôn, khu phố văn hóa hiện chỉ là 870 (tỉ lệ 77,6%).
Trong Phong trào TDĐKXDĐSVH, so với 2 phong trào xây dựng Đơn vị văn hóa hay Khu dân cư văn hóa, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa có vai trò quan trọng hơn cả, tác động đến 2 phong trào còn lại. Kết quả xây dựng gia đình văn hóa không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc Việt, tạo ra tế bào tốt cho xã hội, mà còn mang lại công dân tốt cho khu dân cư hay có thể là cán bộ, người lao động mẫn cán cho đơn vị; qua đó hỗ trợ rất lớn trong xây dựng 2 phong trào còn lại.
Trải qua một chặng đường khá dài 15 năm thực hiện Phong trào, bộ mặt thiết chế văn hóa trong toàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng, giải quyết tốt về phương tiện để người dân sinh hoạt văn hóa. Nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế trong tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao thôn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả khá cụ thể phần nào được mô tả, minh chứng qua những số liệu như trên, hiệu quả Phong trào còn được thể hiện qua các mặt như: Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư; xây dựng “người tốt, việc tốt”; thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức cưới, tang, lễ hội; xây dựng văn hóa trong các đoàn thể… Tất cả cùng tạo nên đổi thay đời sống văn hóa mang tính sâu rộng và toàn diện trong xã hội.
Bài học và động lực cho chặng đường mới
Bên cạnh mặt thắng lợi, những bất cập, hạn chế trong thực hiện Phong trào ở giai đoạn 2000 - 2015 cũng được thẳng thắn nhìn nhận. Đó là việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, khu phố văn hóa có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng chưa cao do chỉ đạo thực hiện chưa sâu sát và ý thức người dân nhận thức về Phong trào chưa thấu đáo; công tác xã hội hóa, kêu gọi đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa hay tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở chưa hiệu quả, chưa đáp ứng hết nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa của người dân…
Chỉ tiêu đến năm 2020: 90% thôn có nhà văn hóa, 90% thôn, làng có khu thể thao đạt quy định của Bộ VH-TT&DL; 90% hộ gia đình và 80% làng, thôn giữ vững và phát huy danh hiệu; 90% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa; 100% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định đây là “một trong những phong trào lớn, mang tính toàn dân, toàn diện và có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; thể hiện một cách sinh động sự kế thừa xuất sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc” và đại đoàn kết dân tộc trên tất cả lĩnh vực của đời sống”.
Ghi nhận tác động tích cực của việc thực hiện Phong trào đối với phát triển KT - XH của tỉnh, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu trong giai đoạn mới 2016 – 2020, thực hiện Phong trào, cần lưu ý 4 vấn đề lớn: Tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả về ý nghĩa, mục đích của Phong trào, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong thực hiện Phong trào và là “tuyên truyền viên” đối với gia đình, cộng đồng; nâng cao chất lượng các phong trào (gia đình, đơn vị, khu dân cư văn hóa), lấy chất lượng làm căn bản; thực hiện Phong trào gắn với các phong trào thi đua khác, nhất là xây dựng nông thôn mới; tăng cường xã hội hóa văn hóa cơ sở, tránh đầu tư dàn trải, chú trọng chăm lo cho các khu vực miền núi, nông thôn.
Hiện toàn tỉnh có 82/159 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; ngoài ra còn có 89 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố được trang bị âm thanh, ánh sáng; 116 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng có thể lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, cũng đã có 463/1.120 nhà văn hóa thôn, khu phố, 78 nhà rông (đối với làng Bana và Chăm) và 29 nhà sinh hoạt cộng đồng làng H’re, chưa kể 773 trụ sở thôn cũng có khả năng đảm trách một số hoạt động văn hóa quy mô nhỏ ở cơ sở.
SAO LY