Long đong bóng ném Bình Định
Từng đóng góp nhiều VĐV, HLV cho đội tuyển quốc gia, giành được nhiều thành tích ấn tượng ở các giải quốc tế và giải quốc gia, nhưng bộ môn bóng ném Bình Định luôn đối mặt với những khó khăn về lực lượng.
Đội tuyển có bề dày thành tích
Kể từ khi xuất hiện ở Bình Định vào năm 1997, đến nay, bộ môn bóng ném đã sản sinh ra nhiều lứa VĐV xuất sắc. Ngay từ đầu những năm 2000, đội tuyển bóng ném Bình Định đã có khả năng tranh chấp huy chương với 2 đội tuyển mạnh ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Sự thăng tiến nhanh chóng về chuyên môn của các VĐV Bình Định càng khẳng định trình độ huấn luyện của HLV Nguyễn Xuân Quắc. Ông được tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển bóng ném nữ Việt Nam tham gia SEA Games 22 năm 2003. Cũng ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đó, Bình Định có 4 VĐV nam góp mặt trong đội tuyển bóng ném Việt Nam. Và niềm vui nhân đôi khi cả 2 đội tuyển đều giành được HCV.
Bóng ném nữ Bình Định đang bị hẫng tuyến kế thừa sau khi nhiều VĐV rời đội.
- Trong ảnh: Đội tuyển bóng ném nữ Bình Định (áo sậm) trong trận đấu với đội Hà Nội tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Những năm sau đó, đội tuyển bóng ném nam và nữ Bình Định luôn giành được huy chương ở các giải vô địch quốc gia. Nhiều VĐV Bình Định được gọi vào đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các giải vô địch Đông Nam Á. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có sự đầu tư tốt về chuyên môn; dù còn nhiều khó khăn về sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện. Ngay cả trong thời điểm rơi vào tình trạng thiếu hụt lực lượng, đội tuyển bóng ném nam đất Võ vẫn thi đấu xuất sắc để giành HCB Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.
Nhưng chỉ sau đó 1 - 2 năm, bóng ném nam Bình Định không còn hiện diện ở các sân chơi quốc gia, khi những VĐV tìm hướng đi riêng cho mình. Lứa VĐV năng khiếu nam vừa mới tuyển cũng bị trả về. Bóng ném Bình Định vốn đã gặp khó khăn trong công tác tuyển quân vì không có phong trào nay càng gặp thêm bất lợi. Dẫu vậy, đội tuyển bóng ném nữ vẫn duy trì được vị trí ở đấu trường quốc gia, tham gia thêm ở những sân chơi mới ở các giải bãi biển. Năm 2014, đội tuyển bóng ném nữ Bình Định giành được HCV ở giải các CLB toàn quốc. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một thế hệ. Nhưng đáng tiếc, lứa VĐV đang đạt độ chín lại nghĩ đến những hướng đi khác…
Mong chờ lứa kế cận
Đầu năm 2015, bóng ném Bình Định tuyển được lứa VĐV năng khiếu nữ, được kỳ vọng sẽ nối tiếp được thành tích của các đàn chị ở đấu trường quốc gia. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đến đầu năm 2016, hơn một nửa thành viên của đội tuyển bóng ném nữ nói lời chia tay với ngành Thể thao, chỉ còn 3 VĐV tiếp tục ở lại tập luyện. Điều đó buộc bộ môn bóng ném phải đôn lứa VĐV trẻ lên đội tuyển, đồng nghĩa với việc “xóa sổ” tuyến năng khiếu.
Với phần lớn lực lượng chỉ ở lứa tuổi 14 - 15, đội tuyển bóng ném nữ Bình Định hầu như chỉ có thể cạnh tranh huy chương ở các giải trẻ. Điều đáng mừng là ở Giải bóng ném trẻ nam, nữ quốc gia năm 2016, đội tuyển bóng ném Bình Định giành được 2 HCĐ lứa tuổi U18 và U20, trong đó đội đã thi đấu khá tốt ở lứa tuổi U18.
Thành tích ở giải trẻ vừa qua phần nào chứng minh cho sự tiến bộ của các VĐV trẻ. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, phía sau đội tuyển hiện nay vẫn là một khoảng trống, bởi ngành Thể thao vẫn chưa có kế hoạch tuyển bổ sung lứa VĐV năng khiếu.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, cho biết: “Hiện nay, kinh phí dành cho thi đấu của tất cả các đội tuyển của Trường hàng năm chỉ có 300 triệu đồng. Do đó, việc phát triển các môn thể thao tập thể luôn là điều khó khăn. Chỉ riêng các đội bóng đá trẻ tham dự các giải đấu đã ngốn phần lớn kinh phí. Chỉ tiêu VĐV cũng có hạn, nên rất khó tuyển thêm VĐV cho cả tuyến năng khiếu bóng ném. Khi nào nguồn kinh phí và chỉ tiêu “thong thả” hơn, chúng tôi mới xem xét tuyển bổ sung cho bộ môn bóng ném”.
Ông Nguyễn Thái Hòa, HLV đội tuyển bóng ném nữ Bình Định, cho biết: “Với lực lượng hiện tại, rất khó để chúng tôi đưa ra giáo án huấn luyện. Bởi một số VĐV đã trưởng thành, có trình độ chuyên môn tốt không thể tập chung bài với những VĐV trẻ, còn chưa hoàn thiện những động tác kỹ thuật cơ bản. Việc bộ môn bóng ném luôn gặp sự thiếu hụt về lực lượng, thỉnh thoảng bổ sung những VĐV hoàn toàn chưa biết gì về thể thao, khiến Ban huấn luyện liên tục phải điều chỉnh giáo án để phù hợp với từng đối tượng. Mong muốn nhất của chúng tôi hiện nay là lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện để bộ môn có lực lượng ổn định, phát triển theo đúng định hướng và giành thành tích cao về cho tỉnh nhà”.
LÊ CƯỜNG