Vĩnh Quang: Đổi thay từ làm theo gương Bác
Chỉ trong vài năm trở lại đây, xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) đã đổi thay nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, được xếp vào một trong những xã tốp đầu của huyện Vĩnh Thạnh. Có được kết quả này, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã đã học tập và làm theo gương Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Hiện nay, người dân Vĩnh Quang biết áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, trồng giống mới cho năng suất cao hơn loại giống truyền thống, năng suất thấp.
- Trong ảnh: Người dân Vĩnh Quang thu hoạch mía vụ 2012-2013. Ảnh: T.H
Nhiều con đường liên thôn, liên xóm của Vĩnh Quang hôm nay đã được bê tông. Ngõ vào từng gia đình cũng vậy. Cuối năm 2012 vừa qua, Vĩnh Quang làm thêm được 3,5 km đường bê tông liên gia, đều do người dân tự bỏ tiền, công sức ra làm. Trước đó, thực hiện chương trình hỗ trợ 167 tấn xi măng/km đường, người dân địa phương đã hiến 355m2 đất, góp 142 triệu đồng đổ bê tông 8,35 km đường liên xóm.
“Vậy đó, dân quê tôi nay đã tự nhận thức họ là chủ thể của mọi hoạt động, từ văn hóa, xã hội đến phát triển kinh tế gia đình. Ngay như việc làm thêm 3,5 km đường liên gia trong xóm cuối năm vừa qua, người dân nói, Nhà nước đã hỗ trợ để làm đường liên xóm thì sao chúng ta không tự làm bê tông nối từ đường vào đến ngõ nhà mình”, ông Nguyễn Trúc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, tự hào khi nói về những đổi thay trên quê hương mình.
Từ nhận thức
Dĩ nhiên, đổi thay ấy không đến ngày một ngày hai mà đòi hỏi một quá trình dài. Nhưng, như nhận định của Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Thành Trung thì: “Chất xúc tác” để xã tự thân vận động, chuyển mình đi lên là sau khi triển khai Cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2007. Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra đời càng củng cố niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Quang tiếp tục nỗ lực cụ thể hóa các nội dung học tập vào các phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, xã hội”.
Ông Đinh Biên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh:
So với các xã khác trong huyện, Vĩnh Quang có phần thuận lợi hơn khi 100% dân số trong xã đều là người Kinh; một số thôn trong xã được hưởng lợi nguồn nước tưới từ kênh tưới Văn Phong. Trước đây, đội ngũ cán bộ xã Vĩnh Quang lớn tuổi, năng lực hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo còn gặp khó khăn. Từ khi luân chuyển cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về xã, cùng lúc triển khai đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ cán bộ đến nhân dân, ai cũng có ý thức vươn lên làm giàu cho gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây là một trong những điều kiện để Vĩnh Quang được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đảng bộ xã có 88 đảng viên, sinh hoạt ở 8 chi bộ. Đảng ủy xã đã xuống từng chi bộ để triển khai, quán triệt Cuộc vận động cho đảng viên; và thông qua các hội, đoàn thể vận động người dân cùng chính quyền tích cực tham gia. Đối với cán bộ, đảng viên, học Bác một cách thiết thực là nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đoàn kết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với người dân, việc học tập và làm theo gương Bác được triển khai thông qua việc vận động người dân tích cực tham gia các mô hình khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa… “Chúng tôi nói với bà con rằng, nếu mỗi người dân tự ý thức, chung sức xây dựng xóm làng, phát triển kinh tế gia đình thì đó là cách học và làm theo gương Bác thiết thực nhất”- ông Trung nói.
Mỗi năm, anh Phan Văn Dung (thôn Định Trường) thu lãi hàng chục triệu đồng từ ruộng ớt 12 sào của mình. Ảnh: N.P
Đến hành động
Vĩnh Quang là xã thuần nông, 99% hộ dân làm nông nghiệp, nếu không áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì khó đạt hiệu quả cao. Bởi vậy, thời gian qua, Đảng ủy và chính quyền xã luôn chú trọng phát triển các mô hình khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2012, Vĩnh Quang thí điểm thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 20 ha, cùng sự tham gia của 179 hộ. Các hộ này được hỗ trợ một phần chi phí mua phân bón, lúa giống và kỹ thuật chăm sóc. Ông Trung nhận xét: “Thực tế cho thấy, hễ mô hình nào hiệu quả là người dân hưởng ứng ngay”.
Điển hình như với cây mía. Dù Vĩnh Quang nằm trong vùng nguyên liệu chủ lực của Công ty cổ phần Đường Bình Định, nhưng lâu nay, người dân vẫn quen trồng giống mía địa phương năng suất thấp, chỉ 50-60 tấn/ha. Vụ Đông Xuân 2010 - 2011, Đảng ủy xã chỉ đạo Hội Nông dân xã, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh xây dựng mẫu nhóm hộ sản xuất mía tại chi hội nông dân thôn Định Thái với 20 hộ tham gia, trồng 2,5 ha mía lai R579; sau đó, nhân ra toàn xã. Hiện năng suất mía của xã đạt bình quân 90 tấn/ha, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Dẫn chúng tôi ra ruộng mía 5 sào, trồng toàn giống K88/92, ông Ngô Văn Tây, ở thôn Định Quang, hồ hởi: “Một tháng nữa tui mới thu hoạch nhưng giờ đã có người đến đặt mua về làm giống vì năng suất mía cao, đạt từ 8-9 tấn/sào. Trồng giống mía mới, tui còn trồng gối vụ cây đậu phụng nữa. Vừa rồi mới trồng thử 1 sào đậu, thu được 330kg, bán giá 23.000 đồng/kg. Tiếc là lâu nay mình cứ làm theo cách cũ…”.
Mô hình cây rau sạch tại thôn Định Trường được người dân nơi đây trồng thử nghiệm từ năm 2008 hiện cũng cho kết quả khả quan. Hiện có một nửa số hộ dân trong thôn trồng rau, trồng ớt. Hộ ít trồng 4 sào, hộ nhiều trồng 15-20 sào. Nhờ cây rau mà đời sống người dân trong thôn đã khá lên. Ông Cao Thanh Quý, trưởng thôn, cho biết nhà ông trồng 20 sào rau xanh và ớt, sau khi trừ chi phí, thu lãi 50-60 triệu đồng/năm. Cho đến nay, trong 9 ha rau của cả thôn thì cây ớt chiếm vị trí chủ lực với 7 ha vì cho giá trị kinh tế cao nhất.
Học Bác, đổi thay từ nhận thức đến hành động trên mọi lĩnh vực đời sống, trong đó điển hình trên lĩnh vực kinh tế là những mô hình tiêu biểu đem lại hiệu quả cao kể trên, cuộc sống của người dân Vĩnh Quang đã và đang đổi thay nhanh chóng. Con số chứng minh rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người từ 8,3 triệu đồng/năm (2010) đã tăng lên 11,9 triệu đồng/năm (2012); tỉ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm gần 7,8% so với năm 2012.
Được mượn 1 triệu đồng từ chương trình “Heo đất tiết kiệm” và vay thêm tiền, chị Trương Thị Lệ Nhung (thôn Định Thái), đã đầu tư nuôi heo và bán quán. Ảnh: T.H
Tự thân vận động đi lên
Tự nhận mình là nông dân ít chữ, quanh năm quanh quẩn ruộng đồng, ông Đoàn Thanh Tuấn, ở thôn Định Trường, bày tỏ: “Với tôi, học Bác nghĩa là không trông chờ, ỷ lại. Vậy nên, tôi và 13 hộ khác tham gia thử nghiệm trồng rau, ớt đã tự bỏ vốn kéo điện, đào giếng. Nhưng đến mùa thu hoạch lại phải đợi thương lái từ An Khê xuống mua, bị ép giá. Năm 2009, sau khi nắm bắt thị trường, tôi xung phong đứng ra thu mua rau, ớt; sắm cả xe tải nhỏ chạy bỏ hàng cho các đại lý ở Phù Mỹ và tỉnh Gia Lai. Dân trong vùng yên tâm là sản phẩm có đầu ra, còn tôi thêm thu nhập”.
Học và làm theo Bác ở Vĩnh Quang còn gắn liền với các hoạt động xã hội, văn hóa, với những việc làm cụ thể thấm đẫm tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Chị Vũ Thị Tuyết Vân, Phó chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: “Phong trào treo và thờ ảnh Bác tại nhà, xây dựng các góc học tập cho học sinh treo 5 điều Bác Hồ dạy được toàn Đảng bộ, các hội, đoàn thể và nhân dân hưởng ứng tích cực, Đến nay, có 1.068 hộ gia đình thực hiện treo và thờ ảnh Bác nơi trang trọng, 355 hộ xây dựng góc học tập cho con em treo 5 điều Bác Hồ dạy. Hội cũng đã xây dựng mô hình “Heo đất tiết kiệm” với 604 hộ gia đình ở 5/5 thôn tham gia, thu được hơn 5 triệu đồng cho 17 hội viên nghèo vay không lãi; phong trào “Hũ gạo tình thương” đã thu được 500 kg gạo, giúp cho 20 phụ nữ nghèo.
Mới đây nhất ở Vĩnh Quang là việc vận động người dân đóng góp để triển khai dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Trước đây, người dân cứ đem rác đổ dọc hai bên đường ĐT 637 làm ô nhiễm và mất mỹ quan. Sau một thời gian vận động, người dân đồng tình, đầu tháng 1.2013, dịch vụ thu gom rác do HTX nông nghiệp Định Quang thực hiện đã chính thức đi vào hoạt động. Giờ đây thì ngay các hộ dân không nằm dọc tuyến đường này cũng đề nghị được thu gom rác sinh hoạt.
Về Vĩnh Quang, chúng tôi còn nghe chuyện kể về một “Mạnh Thường Quân” của xã, những năm qua đã tình nguyện tìm kiếm, nuôi dưỡng những chân bóng đá “cấp làng”; tự nguyện mua sắm dụng cụ thể thao và bỏ tiền túi dẫn “quân” thi đấu cấp huyện hoặc liên huyện. Nói về những việc làm trên của mình, anh Nguyễn Ngọc Bảo, ở tổ 3, thôn Định Quang, bày tỏ: “Tôi muốn tạo niềm vui cho mọi người. Tôi cũng muốn các cháu, các em và nhiều người khác luyện tập thể thao, giữ gìn sức khỏe như Bác Hồ từng nói: Tự tôi ngày nào cũng tập”.
NGUYỄN PHÚC- THU HÀ