Ứng dụng công nghệ thông tin tại hệ thống thư viện huyện:
Lạc hậu đến bao giờ ?
Cho đến nay, nhiều thư viện huyện (TVH) trong tỉnh vẫn hoạt động theo phương thức thủ công. Một số ít thư viện được trang bị máy tính nhưng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ vẫn chỉ ở mức sơ đẳng. Sự lạc hậu của TVH cần phải được nhanh chóng khắc phục.
Chỉ 4/10 thư viện có máy tính
Theo thống kê từ Thư viện tỉnh, trong số 10 TVH đang hoạt động, chỉ có 4 thư viện ở An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tây Sơn được trang bị máy tính; 6 thư viện còn lại (Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão), từ công tác nghiệp vụ đến phục vụ bạn đọc đều theo phương thức thủ công.
Đứng đầu về số lượng máy tính được trang bị là TVH Hoài Ân với 5 máy tính nối mạng đang được sử dụng, trong đó 2 máy trang bị cho cán bộ thư viện, 3 máy để bạn đọc tra cứu tìm sách, truy cập internet. Thư viện thị xã An Nhơn có trụ sở riêng, khang trang, hoạt động khá sôi nổi nhưng cũng chỉ có 1 máy tính để thủ thư làm việc, còn bạn đọc tra cứu thủ công qua tủ mục lục. Còn TVH Tây Sơn, dù chỉ có 1 máy tính được trang bị từ năm 2005, chưa nối mạng nhưng được thủ thư đặt ở vị trí thuận tiện để cả mình và bạn đọc cùng “chia sẻ”.
Việc trang bị, ứng dụng CNTT sẽ tạo điều kiện để TVH hoạt động hiệu quả hơn.
- Trong ảnh: Một góc TVH Vân Canh.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, phụ trách TVH Tuy Phước, trầm ngâm: “Tôi làm công tác thư viện từ năm 1986 đến nay. Hơn 25 năm qua, ngoài việc phòng ốc thư viện được sửa sang, mở rộng, số bản sách tăng lên, còn mọi hoạt động nghiệp vụ đều không có thay đổi nào đáng kể. Bộ mặt TVH vẫn lạc hậu như mấy chục năm về trước, phong trào đọc đi xuống…”.
Ông Hoàng cũng cho biết, hiện nay toàn ngành đã và đang áp dụng phương pháp phân loại DDC 14, thay cho cách phân loại ISBD trước đây. Trong khi đó, hệ thống phích mục lục của TVH Tuy Phước được xây dựng từ khi thành lập thư viện năm 1976, đến nay đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, TVH Tuy Phước đang có chủ trương thanh lý gần 2.000 sách cũ, do vậy khoảng 2 năm nay, TVH đóng tủ mục lục và để bạn đọc trực tiếp chọn sách theo như hình thức kho mở. “Đồng thời với việc ngưng tủ mục lục, tôi đã đề xuất với Trung tâm VH-TT-TT huyện trang bị cho TVH 1 máy tính, cài đặt phần mềm để vào Thư viện Quốc gia tải và in phích mục lục mới thay thế cho thống nhất, trùng khớp. Tuy nhiên, đã 2 năm nhưng cơ quan quản lý vẫn bảo đợi vì không có kinh phí”, ông Hoàng cho biết thêm.
Được biết, kinh phí cấp bổ sung sách năm 2012 của TVH Tuy Phước là 18 triệu đồng, năm nay chỉ còn 10 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ để trả tiền đặt báo và tạp chí 4 quý (mỗi quý hơn 2 triệu đồng), lấy đâu chi bổ sung sách (!). Chung nỗi niềm, chị Bùi Thị Ánh Tuyết, cán bộ thư viện thị xã An Nhơn, tâm tư: “Nhu cầu của bạn đọc ngày một cao và đa dạng, trong khi nguồn sách hiện có và bổ sung không đủ đáp ứng, khiến thư viện ngày càng “mất điểm”. Mỗi dịp hè, có khá nhiều sinh viên địa phương đi học xa nhà về nghỉ hè, các em đều ngạc nhiên khi biết thư viện vẫn chỉ hoạt động thủ công. Trước tình trạng hạn chế về kinh phí bổ sung sách hàng năm, ứng dụng CNTT để liên kết trong hệ thống thư viện và hưởng lợi từ nguồn tư liệu đa dạng, bù vào vốn sách ít ỏi trong kho là cách tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng tài liệu, thông tin tại thư viện”.
Hy vọng vào một dự án
Nhằm chuẩn hóa và thống nhất hoạt động nghiệp vụ thư viện trên phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của thư viện trong nước với cộng đồng thư viện thế giới, nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã nhiều lần tổ chức tập huấn trang bị cho cán bộ TVH về 3 chuẩn nghiệp vụ: khung phân loại thập phân DDC, khổ mẫu biên mục MARC21 và quy tắc biên mục Anh - Mỹ AARC2. Tuy nhiên trên thực tế, do có quá nửa TVH chưa được trang bị máy tính nên công tác này đã không thể triển khai đồng bộ. Với tình trạng và mức độ tin học hóa “ì ạch” ở hệ thống TVH, quá trình “chuẩn hóa nghiệp vụ” xem ra còn nhiều gian nan. Ngay cả ở 4 TVH đã được trang bị máy vi tính, mức độ tin học hóa thư viện vẫn chỉ dừng ở mức rất sơ đẳng.
“Các thư viện đang dùng phần mềm quản trị dữ liệu như ISIS, Unisis, ứng dụng thể hiện qua các khâu cơ bản nhất như phân loại sách, tra cứu tên sách, in phích… Mức độ ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ còn chậm, song cái được lớn nhất là giúp cán bộ phụ trách, thủ thư làm quen với xử lý nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc trên máy, tạo nền tảng để ứng dụng CNTT vào TVH sâu rộng hơn trong tương lai”, anh Trần Xuân Nhất, phụ trách công tác phong trào, Thư viện tỉnh cho biết.
Vừa qua, để chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” ở Bình Định, đoàn khảo sát của Dự án đã tiến hành khảo sát tại một số TVH và xã trong tỉnh. Theo ông Phi Hải Nam, Trưởng đoàn khảo sát của Dự án tại Bình Định, Bình Định đáp ứng đầy đủ các điều kiện để nhận sự hỗ trợ của Dự án này. Theo đó có tất cả 10 TVH, thị xã và 5 thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn), xã Nhơn Hưng, Nhơn Phúc (An Nhơn), Tây An, Tây Bình (Tây Sơn) sẽ được hỗ trợ, thời gian dự kiến lắp đặt vào tháng 4.2014. Mỗi TVH được hỗ trợ 10 bộ máy tính cùng thiết bị đi kèm, mỗi TV xã được hỗ trợ 5 bộ và thiết bị. Đây được xem là bước ngoặt lớn để hệ thống TVH tận dụng, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ cải thiện tình trạng lạc hậu về CNTT.
SAO LY