Trung tâm PHP&CB Bình Định: Đa dạng hóa việc tuyên truyền và phục vụ khán giả
Ở khu vực thành phố, thị xã, nhu cầu xem phim giải trí của người dân đang được đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở vùng xa, miền núi cao, việc đáp ứng nhu cầu của đồng bào gần như dựa hẳn vào Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (PHP&CB) Bình Định.
Mấy năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Trung tâm PHP&CB Bình Định vẫn nỗ lực tổ chức hoạt động phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Qua đó, góp phần đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tổ chức nhiều hoạt động phục vụ
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm PHP&CB Bình Định tổ chức nhiều hoạt động phục vụ khán giả, kết hợp tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện Kế hoạch tuyên truyền biển, đảo năm 2016, Trung tâm PHP&CB Bình Định đã cấp nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện phong phú để 10 đội chiếu bóng lưu động ở các huyện và 2 xã bán đảo TP Quy Nhơn tổ chức phục vụ người dân.
Chuẩn bị cho một buổi chiếu bóng lưu động tuyên truyền về biển, đảo ở xã Nhơn Hải.
Các bộ phim như: Đảo chìm, Đứng trước biển, Biển đợi, Đảo cần có anh, Tình biển, Nhìn ra biển cả… có nội dung gần gũi với đời sống của người dân, nội dung lại giản dị, dễ hiểu nên khi trình chiếu ở các xã ven biển trong tỉnh đã thu hút nhiều ngư dân đến xem.
Trung tâm PHP&CB Bình Định cũng tổ chức 3 chương trình chiếu phim phục vụ phạm nhân ở Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng ở địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân). Các buổi chiếu phim này được thực hiện theo chương trình phối hợp giữa Sở VH-TT&DL với Trại giam Kim Sơn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho phạm nhân giai đoạn 2015 - 2018.
Quan tâm đến nhu cầu giải trí của các em nhỏ trong dịp hè, Trung tâm PHP&CB Bình Định đã tổ chức đợt phim hè (từ 1.6 - 30.8.2016) phục vụ miễn phí thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. 10 đội chiếu bóng lưu động trước mỗi buổi chiếu phim truyện đều dành thời gian chiếu phim thiếu nhi.
Ở Quy Nhơn, Rạp 31.3 phục vụ thiếu nhi các xuất chiếu sáng và chiều các ngày thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Ông Võ Văn Tiễn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm PHP&CB Bình Định, cho biết: “Điểm mới của đợt phim hè năm nay là chúng tôi đã chỉ đạo các đội chiếu bóng lưu động liên hệ chặt chẽ với các ngành chức năng ở địa phương tổ chức cho thiếu nhi đi xem phim. Rạp 31.3 liên hệ phối hợp với Đoàn thanh niên các phường trên địa bàn TP Quy Nhơn để tạo điều kiện phục vụ tốt hơn, đem đến cho các em nhiều bộ phim có ý nghĩa giáo dục trong đợt sinh hoạt hè”. Kết thúc đợt phim, 10 đội chiếu bóng lưu động và Rạp 31.3 đã phục vụ tổng cộng 654 buổi chiếu hơn 50 bộ phim hoạt hình, phim truyện Việt Nam và quốc tế, thu hút hàng ngàn lượt khán giả.
Nâng cao hiệu quả chiếu bóng lưu động
Nhằm góp phần tìm hiểu thực tế, đánh giá thực trạng và tìm giải pháp phát triển công tác phát hành - phổ biến phim trong công tác chiếu bóng lưu động, Trung tâm PHP&CB Bình Định vừa tổ chức nhiều chuyến khảo sát ở các huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh trong gần một tháng.
Đoàn công tác của Trung tâm phối hợp với đại diện Phòng VH-TT huyện, chính quyền xã, thôn về tại những điểm chiếu bóng hàng đêm ở các thôn, làng để quan sát, đánh giá chất lượng các buổi chiếu; tìm hiểu nhu cầu thưởng thức của người xem. Qua đó, cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thích xem phim Việt Nam đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là những phim có sự xuất hiện của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, các đội chiếu bóng lưu động chỉ có thể phục vụ đan xen với các thể loại phim khác, bởi phim đề tài chiến tranh do Việt Nam sản xuất không nhiều. Hầu hết là phim cũ. Đồng bào khu vực nông thôn, miền núi chưa dành nhiều sự quan tâm với phim đề tài xã hội, phim nước ngoài!
Kết quả khảo sát cho thấy, một số điểm chiếu ở vùng nông thôn, vùng bãi ngang như: thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thạnh; thôn Gia Đức, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân; thôn 8, thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ... thu hút rất đông người xem và mong muốn có thêm nhiều buổi chiếu về địa phương. Tuy nhiên, việc phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa hiện gặp nhiều khó khăn, trước tiên điều kiện máy chiếu, thiết bị còn hạn chế, nguồn kinh phí phục vụ chiếu bóng lưu động còn thấp…
Ông Võ Văn Tiễn đề xuất: “Chiếu bóng phục vụ tức là đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân. Nhưng đó không phải là bao cấp nhu cầu giải trí. Nghĩ như vậy là phiến diện lắm, chiếu bóng lưu động còn là thực hiện mục tiêu tuyên truyền chính trị, là một cách chuyển tải chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách sinh động, dễ tiếp thu. Các đội chiếu bóng cần được đầu tư thêm về kinh phí, trang bị thiết bị kỹ thuật gọn nhẹ, đa năng, sử dụng chiếu được nhiều thể loại phim. Thậm chí chúng tôi còn muốn đầu tư thiết bị để lồng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong phim, đưa phụ đề tiếng dân tộc thiểu số lên phim... Được như vậy, chiếu bóng sẽ có thêm điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình”.
HOÀI THU