Chuyện bé xé quá to
Bị cáo và bị hại vốn làm chung chỗ, sau này vẫn giữ mối liên hệ với nhau, rủ nhau đi ăn uống, cà phê. Thế rồi, chỉ từ một mâu thuẫn rất nhỏ, không làm chủ được bản thân, họ kết thúc tình bạn của mình bằng một bản án 8 năm tù về tội cố ý gây thương tích và một cuộc đời mà phía trước dường như là vô vọng.
Bị hại Nguyễn Phạm Anh Phong và người nhà tại phiên tòa.
1.
Vụ án vừa được TAND TP Quy Nhơn đưa ra xét xử lưu động tại trụ sở UBND phường Hải Cảng. Bị cáo là Lê Cẩm Linh (SN 1979, quê ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tạm trú tại tổ 39, KV 7, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).
Sự việc bắt nguồn từ tối 30.8.2015, gia đình Linh nhậu cùng với Nguyễn Phạm Anh Phong (SN 1984, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và vài người bạn tại một quán ở phường Đống Đa. Vì nhậu say, Phong chửi tục và kình cãi với Linh nên cả nhóm quyết định ra về. Ra khỏi quán, Linh bực tức quay lại tìm đánh Phong, dù vợ can ngăn nhưng không được. Phong bị Linh đánh nên té ngửa, đầu đập mạnh xuống đường. Hậu quả để lại sau sự việc quá lớn. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Phong giờ bị liệt tứ chi, tâm trí như đứa trẻ lên ba, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người thân. Kết quả giám định, anh Phong bị thương tật 93%.
Từ ngày Phong gặp nạn, gia đình anh chạy chữa cho con đến kiệt quệ về kinh tế. Gần chục lần Phong vào ra bệnh viện điều trị và tới đây còn phải tiếp tục, mọi thứ trong nhà có thể bán đã bán đi, vay mượn được đã vay mượn, gia đình nợ nần ngày càng nhiều. Tai họa dường như khiến cha của Phong già xọm đi. 66 tuổi, ông vẫn phải đi làm bảo vệ để kiếm thêm tiền lo cho gia đình, bởi vợ ông mắc bệnh parkinson mấy năm nay không làm gì được, con trai lớn thì phải nghỉ việc, ở nhà chăm sóc em trai bệnh tật.
2. Vụ án xảy ra ngày 30.8.2015, nhưng phải đến 1 năm sau, ngày 26.8.2016, tòa mới đưa ra xét xử được vì nhiều lý do khách quan.
Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố trước tòa cho biết, ban đầu, bị cáo Linh không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, vợ bị cáo cũng giấu tội cho chồng, trong khi tại thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ có vợ con bị cáo chứng kiến. Tuy nhiên, từ lời khai của đứa con nhỏ (10 tuổi) của bị cáo sau đó và qua quá trình điều tra đấu tranh, bị cáo đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình, vợ của bị cáo cũng khai nhận sự việc.
Ngoài ra, vì bị hại bệnh nặng, phải đến tháng 11.2015 mới có kết quả giám định thương tật. Sau đó nữa là 2 lần hoãn phiên tòa vì bị hại đang phải điều trị tại bệnh viện.
Vị hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử tại tòa phân tích: “Tất cả mọi người sống, lao động phải chấp hành pháp luật. Không nên dùng bạo lực giải quyết bạo lực. Con người sống với nhau phải có tình yêu thương. Bị cáo phải biết sức khỏe là quý nhất đối với con người”.
3.
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo cúi gằm mặt. Gia đình, vợ con bị cáo, không một ai đến dự phiên tòa. Khi được hội đồng xét xử cho phép nói lời xin lỗi với gia đình người bị hại, bị cáo chỉ thốt ra được câu: “Con xin lỗi gia đình”.
TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt Lê Cẩm Linh 8 năm tù và buộc bị cáo bồi thường hơn 400 triệu đồng cho gia đình bị hại. Số tiền này, theo đại diện viện kiểm sát tại tòa, là hợp lý, bởi gia đình bị hại đã phải chi phí rất nhiều để chữa trị cho con họ. Nhưng đối với bị cáo, có lẽ số tiền này là quá khả năng, bởi vợ chồng bị cáo ở nhà thuê, bị cáo là lao động chính trong gia đình, vợ không có việc làm, thu nhập chỉ đủ cho 2 vợ chồng sinh hoạt và con nhỏ đi học.
Cha của bị hại, khi được hỏi thấy bản án tòa đã phán quyết có hợp lý không, ông chỉ nhìn xa xăm trả lời: “Con tôi tàn phế, không ai muốn, đó là rủi ro cả 2 bên. Tôi chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường để trang trải nợ nần mà nhà đã vay mượn để trả viện phí cho Phong. Còn nó ngồi tù có mấy năm cũng ra thôi, con tôi thì mất cả cuộc đời”.
KIM CHI