Công trình kênh mương nội đồng Ðồng Tre, xã Tây Giang (Tây Sơn):
Thi công trễ nải, chính quyền “né” trách nhiệm
Công trình kênh mương nội đồng Ðồng Tre, thuộc thôn Nam Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) dài khoảng 400m, qua nhiều tháng thi công dang dở đã làm cho 30 ha lúa bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Trong khi nhân dân địa phương sốt ruột thì chính quyền lại chậm giải quyết.
Đoạn kênh mương này dài 400m do UBND xã Tây Giang làm chủ đầu tư, được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng theo chương trình kiên cố hóa kênh mương ở địa phương. Công ty TNHH Ba Bút (trụ sở tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) là đơn vị nhận thầu, bắt đầu thi công từ tháng 5.2016; theo kế hoạch, cuối tháng 8.2016 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty mới làm xong khoảng 250m, 150m kênh mương còn lại đang dở dang. Đáng nói hơn, gần 2 tấn xi măng loại “Xi măng BICEM PCB 40” được tập kết trước nhà ông Đi (một hộ dân ở thôn Nam Giang) phục vụ công trình, do không được bảo quản, trông coi đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn.
Ông Trần Văn Kiểm, Trưởng thôn Nam Giang, xã Tây Giang, cho biết: “Tuyến kênh mương nội đồng có nhiệm vụ dẫn nước từ đập Thò Đo, ở thôn Nam Giang về tưới cho cánh đồng ở thôn Tả Giang 2 và Nam Giang. Việc thi công cù cưa, kéo dài làm gián đoạn khả năng cung ứng nước tưới khiến 30 ha lúa vụ Hè Thu và Thu Đông phải bỏ hoang, trong đó có 18 ha ở thôn Tả Giang 2 và 12 ha ở thôn Nam Giang”.
Một người dân ở địa phương thắc mắc: “Tôi không hiểu sao họ (Công ty TNHH Xây dựng Ba Bút- PV) làm được hơn một nửa công trình thì dừng lại. Số xi măng còn lại họ bỏ ngoài trời, không che tủ gì cả. Thấy mưa sợ hư vật liệu, tôi lấy tấm bạt nhựa ra tủ. Họ làm kiểu vậy là thiếu trách nhiệm quá. Xi măng chứ có phải đá chẻ đâu mà bỏ lăn lóc như vậy. Địa phương cũng không nói năng gì, thật lạ! Phải chăng là của hỗ trợ nên không xót”.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Ba Bút, đơn vị thi công kênh mương nội đồng Đồng Tre, thừa nhận: “Do trục trặc về nhân công và chưa tìm được tiếng nói chung với người lao động và chính quyền địa phương trong việc giải quyết một số khúc mắc, nên việc thi công mới bị dang dở như hiện nay”.
Chiều 29.8, PV đến trụ sở UBND xã Tây Giang và liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã để tìm hiểu rõ hơn. Sau khi nghe phản ảnh vụ việc qua điện thoại, ông Anh cho biết đang đi công việc, có gì liên hệ lại sau, nhưng sau đó thì không trả lời điện thoại. Đến sáng 30.8, cũng không thể liên hệ được với ông chủ tịch xã.
Vì vậy, chúng tôi trực tiếp đến UBND huyện Tây Sơn tìm hiểu sự việc. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thống, Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn cho biết chưa nghe địa phương báo cáo việc này, rồi sau đó bà gọi điện trực tiếp cho ông Anh để tìm hiểu, và đề nghị lãnh đạo xã báo cáo vụ việc cho huyện để có hướng xử lý.
“Thay mặt lãnh đạo huyện Tây Sơn, tôi xin ghi nhận ý kiến phản ánh của Báo Bình Định. Tôi sẽ cho kiểm tra ngay và sẽ gửi văn bản trả lời cho Báo khi có kết quả”, bà Thống nói.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI