Bệnh viện Ða khoa tỉnh:
Lần đầu tiên ghép thành công đĩa đệm có khớp
Cách đây 4 tháng, chị Cao Thị Ngọc Hằng (40 tuổi, ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bắt đầu thấy đau cổ. “Từ cổ lan nhanh xuống vai rồi đến tay trái, khi lái xe tay trái cũng không cầm chắc được”, chị Hằng kể. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy chị Hằng bị thoát vị đĩa đệm ở tầng C6-C7.
Chị Hằng được đưa vào BVĐK tỉnh ngày 1.7 và được phẫu thuật 2 ngày sau đó. Ca mổ kéo dài gần 2 tiếng, do thạc sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống và bác sĩ chuyên khoa II Đặng Ngọc Trí thực hiện. Các bác sĩ đã áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới: kỹ thuật vi phẫu lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ qua đường cổ trước và ghép đĩa đệm có khớp.
Sau khi mổ 1 ngày, chị Hằng đã có thể đi lại được và cử động cổ. Bác sĩ Đặng Ngọc Trí cho biết, với kỹ thuật mới này, bệnh nhân có thể xuất viện sau 3 ngày, nhưng chị Hằng là ca đầu tiên thực hiện, lại có nhu cầu được theo dõi thêm nên đến chiều 7.7 vẫn còn nằm viện.
Trước đây, các phương pháp chủ yếu để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là lấy đĩa đệm đơn thuần, lấy đĩa đệm làm cứng khớp, lấy đĩa đệm rồi ghép xương, nẹp vít... Tuy nhiên, các phương pháp này có nhiều hạn chế do làm cứng khớp dẫn đến mất vận động cúi, ngửa cột sống tại vị trí đốt sống can thiệp và làm tăng quá trình thoái hóa, dẫn đến hiện tượng thoát vị đĩa đệm ở các tầng kế cận.
Để tránh hiện tượng này, đĩa đệm nhân tạo có khớp đã ra đời. “Loại đĩa đệm này có 2 phần gắn liền với đốt trên và đốt dưới liền kề. Hai phần này gắn với nhau bằng một khớp nối cử động được. Nhờ đó, nó có thể thay thế mảnh ghép mà không làm cho cột sống bị cứng lại, từ đó bảo tồn được chức năng cử động cổ của người bệnh sau mổ”, bác sĩ Đào Văn Nhân phân tích.
Bác sĩ Nhân cũng cho biết, hiện nay, chỉ có một vài bệnh viện đầu ngành phát triển được kỹ thuật mới này; BVĐK tỉnh là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện được. Ngoài lợi thế về việc giảm khả năng xuất hiện khối thoát vị mới ở đĩa đệm trên và dưới đốt sống đã mổ, việc thay đĩa đệm có khớp còn tránh được một số biến chứng do nẹp vít gây ra. Sau khi mổ, người bệnh không phải mang nẹp cổ; vết mổ cũng chỉ dài khoảng 3cm, nên khả năng hồi phục rất nhanh.
“Điểm trừ” duy nhất của phương pháp này là chi phí khá cao, khoảng 60 triệu đồng, gấp 3 lần kiểu truyền thống. Vì thế, chỉ những người trẻ phải hoạt động nhiều mới cần thiết áp dụng kỹ thuật này.
NGUYỄN HOÀNG