Ông Trần Nhật Quân, Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh:
Giải quyết KNTC của công dân thông qua đối thoại vẫn là tốt nhất
Gần đây, tình hình khiếu nại (KN) kéo dài, vượt cấp của công dân có chiều hướng phức tạp. Từ đầu năm 2016 đến nay, số trường hợp công dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND tỉnh ra tòa án tăng gấp đôi so với cả năm 2015. Ông Trần Nhật Quân, Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh trao đổi thêm với PV Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
* Thưa ông, đâu là những nguyên nhân làm tình hình này trở nên phức tạp hơn như hiện nay?
- Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án, công trình lớn như QL1, QL1D, QL1A, QL19, đi cùng với đó là việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chỉnh trang đô thị cũng nhiều hơn. Người dân bị ảnh hưởng quyền lợi do bị thu hồi đất đai, nhà cửa phục vụ cho các mục đích này nên KN gia tăng(chiếm khoảng 70% so với tổng số đơn KN).
Thứ hai, tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh ở các vùng nông thôn, ngoại ô trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, trong đó ô nhiễm môi trường rất đáng kể. Thứ ba, nhận thức, hiểu biết về pháp luật, về chính sách của Nhà nước của một số ít người dân còn hạn chế. Thứ tư, do chính sách bồi thường, hỗ trợ thường thay đổi, dẫn đến người dân so bì trước và sau trong cùng một dự án, rồi khiếu kiện.
Cuối cùng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, và cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa làm tròn vai, chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) đúng quy trình và đúng quy định của pháp luật.
* Vậy, tình hình khiếu kiện cụ thể ra sao, thưa ông?
- Trong 8 tháng của năm 2016, số lượt công dân đến trụ sở Tiếp công dân của tỉnh đã là 1.471 lượt, trong đó 19 đoàn đông người; gửi đơn thư KNTC 1.566 đơn. Đáng chú ý, đã có 46 trường hợp công dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND tỉnh về giải quyết KN ra tòa án, trong khi cả năm 2015 là 25 trường hợp, tăng gần gấp đôi so với của cả năm 2015 là 25 trường hợp; còn trước đó, năm 2014, chỉ có 2 trường hợp.
* Từ thực tế vừa qua cho thấy, đơn thư, khiếu kiện vượt cấp kéo dài, khởi kiện quyết định hành chính ra tòa, xuất phát từ nguyên nhân chậm giải quyết đơn thư KN của công dân?
- Đối với tình hình KN vượt cấp kéo dài có thể xem đây là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh một số địa phương quan tâm đến công tác tiếp công dân; giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân, hiện cũng còn một số ít nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chậm giải quyết KN; một số ít có hiện tượng nhũng nhiễu làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cấp chính quyền sở tại. Thậm chí, có địa phương dù Chủ tịch UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo, đôn đốc trên 5 lần/vụ việc, yêu cầu giải quyết dứt điểm nhưng nhiều năm chưa xong. Một khi KNTC, kiến nghị, phản ánh đã lâu nhưng không được giải quyết, người dân sẽ khiếu kiện vượt cấp và mức độ bức xúc cũng tăng lên.
Đơn khởi kiện quyết định hành chính ra tòa án của công dân tăng trong thời gian qua là bởi người dân thực hiện quyền KN được quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 12 của Luật Khiếu nại 2011: “Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định Luật Tố tụng hành chính”.
* Để công tác giải quyết KN hiệu quả, giảm tình trạng công dân khởi kiện ra tòa, theo ông cần phải làm gì?
- Để giải quyết tốt KN của công dân và giải quyết đúng theo quy định của pháp luật đòi hỏi các địa phương, sở, ngành cần phải quan tâm, coi đây là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc gì liên quan đến công dân phải ưu tiên giải quyết trước, đảm bảo quy trình, đúng quy định có vậy công dân mới tin.
Cũng nói thêm rằng, khi khởi kiện quyết định hành chính ra tòa, người dân chỉ đóng 200 ngàn đồng án phí là xong, trong khi đó các cơ quan chức năng, người đứng đầu là lãnh đạo, đơn vị phải đi lại rất nhiều lần đến tòa để cung cấp hồ sơ, đối thoại, tố tụng… Trước đây, Chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho người nào theo dõi, nắm bắt vụ việc để tham gia tố tụng, nhưng theo Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không tham gia được chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó trực tiếp của mình dự phiên tòa.
Dù thời gian qua chưa có trường hợp công dân nào thắng kiện vì đơn khởi kiện không có cơ sở; UBND tỉnh đã giải quyết vụ việc đúng theo trình tự, quy trình và quy định của pháp luật, song để hạn chế tình trạng này thì việc giải quyết bước đầu là phải đúng trình tự thủ tục và đúng pháp luật.
Theo tôi, giải quyết KNTC của công dân thông qua đối thoại với họ để từ đó có tiếng nói chung, hài hòa các lợi ích và giúp cho công dân hiểu biết hơn về pháp luật để đi đến vụ việc giải quyết “thấu tình - đạt lý” vẫn là tốt nhất. Do đó, mỗi địa phương thật sự quan tâm giải quyết, nhất là phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tham gia họp, tham gia đối thoại với công dân, tránh xem thường cử người không đủ thẩm quyền tham dự.
* Cảm ơn ông!
Mới đây, để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, UBND tỉnh đã có văn bản gửi giám đốc các sở, ngành của tỉnh, UBND các địa phương yêu cầu không được vắng mặt trong buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh; nếu vắng mặt phải có văn bản cử cấp phó đi thay.
Văn bản cũng “điểm mặt” người đứng đầu Sở Xây dựng, Sở LÐ-TB&XH, UBND TP Quy Nhơn, UBND TX An Nhơn chưa tham gia nghiêm túc các buổi tiếp công dân do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì; đồng thời lưu ý UBND các địa phương, nhất là TP Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn tập trung giải quyết một số vụ việc mà Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc nhưng chưa làm.
THU HÀ (Thực hiện)