Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vẫn còn rất cao!
Ðến thời điểm này, sau nhiều nỗ lực của ngành y tế, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đã giảm đôi chút so với trước. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát khi thời tiết bắt đầu chuyển mưa vẫn rất lớn.
Tính đến ngày 23.8, toàn tỉnh ghi nhận 3.248 ca SXH, không có ca tử vong (trừ 1 ca tử vong ngoại lai); đã phát hiện và xử lý 203 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc tăng 2.917 ca, số ổ dịch tăng 178. Chỉ nhìn vào con số thống kê không thôi, nhiều người đã thấy lo lắng, nhưng…
Nhiều chậu cây cảnh ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) chứa nước đọng có bọ gậy. Một việc tưởng đơn giản và vô hại nhưng đã tạo ra nơi để muỗi sinh sôi, phát triển.
Vẫn còn chủ quan
Ngày 29.8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn Hồ Văn Hoàng phụ trách đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại Bình Định.
Cùng với việc nắm thông tin chung qua báo cáo của Sở Y tế và các đơn vị liên quan, đoàn công tác của Bộ Y tế đã giám sát thực tế tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Đây là địa phương có số ca mắc cao thứ 4 trong 21 xã, phường; với 74 ca ghi nhận từ đầu năm đến nay.
“Mới mấy ngày có mưa mà số ca bệnh đã tăng, các chỉ số côn trùng giám sát được cũng ở mức cao. Sắp tới, tình hình sẽ rất phức tạp”
Ông HÀ ANH THẠCH - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế
Theo Phó trưởng Trạm Y tế phường Nhơn Bình Nguyễn Thị Minh Đương, nguyên nhân chính là ý thức và thực hành vệ sinh phòng bệnh của cộng đồng dân cư rất hạn chế. “Hơn 30% số hộ không mở cửa để phun hóa chất. Người dân chưa tự giác kiểm tra, loại trừ ổ bọ gậy trong gia đình, hầu hết các điểm sau khi xử lý hóa chất chỉ số bọ gậy vẫn ở mức cao” - bà Đương cho biết.
Nhận định này được kiểm chứng khi chúng tôi thực hiện khảo sát tại một số hộ dân ở khu vực 2. Nhiều nhà vẫn để nước mưa tù đọng trong các vật dụng với lý do “để dành tưới cây”! Tại nhà ông Nguyễn Tấn Thành, dù chủ nhà khẳng định luôn vệ sinh vườn nhà sạch sẽ, nhưng trong vườn cây um tùm không khó để tìm ra 2 hộp nhựa đựng thức ăn cũ đọng nước mưa. Khi nhân viên y tế mang ra ánh sáng thì phát hiện 1 hộp nhung nhúc bọ gậy.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Trước đó chưa lâu, khi đoàn giám sát của Sở Y tế đến nhà ông Đặng Ngọc Anh (ở thôn Vĩnh Phú 3, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ), nhiều dụng cụ chứa nước trong vườn có bọ gậy như bình tưới cây, sọ dừa. Điều đáng tiếc là ông Anh mới điều trị khỏi SXH được vài tuần. “Do mình cũng chủ quan, không kiểm tra kỹ, không nghĩ vừa mưa xong là có bọ gậy” - ông Anh phân bua. Cách đó không xa, nhà chị Trần Thị Hồng có nhiều chậu cảnh không úp ngược, đọng nước bên trong bọ gậy dày đặc.
Hết sức cảnh giác
Diễn biến ca bệnh theo từng tháng của năm 2016 cho thấy chiều hướng giảm đáng kể từ tháng 1 đến tháng 5. Tháng 1 có 1.522 ca, nhưng sang tháng 2 đã giảm 3 lần (còn 531 ca); từ đó giảm dần đều đến tháng 5 chỉ còn 129 ca. Tuy nhiên, sang tháng 7 lại nhích dần lên 158 ca, tháng 8 mới đến ngày 23 cũng đã có 171 ca. “Mới mấy ngày có mưa mà số ca bệnh đã tăng, các chỉ số côn trùng giám sát được cũng ở mức cao. Sắp tới, tình hình sẽ rất phức tạp”- Trưởng phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế Hà Anh Thạch cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân cho biết, trên địa bàn tỉnh đã lưu hành cả 4 type huyết thanh SXH Dengue, trong đó type D2 có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Do đó, từ đây đến cuối năm 2016, số ca SXH nặng sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, có 4 yếu tố khiến tình hình SXH trên địa bàn tỉnh vào những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp với số ca mắc và số ổ dịch tăng. Hiện nay, tình hình dịch SXH ở các tỉnh trong khu vực đang tăng. Số ca mắc toàn tỉnh năm 2016 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, 2016 cũng là năm rơi vào chu kỳ dịch trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, Bình Định đang bước vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao. Cuối cùng, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động phòng chống dịch, ý thức của cộng đồng còn hạn chế nên chỉ số côn trùng luôn ở mức cao.
“Phải giám sát, xử lý hiệu quả từng ổ dịch; tăng cường giám sát véc-tơ, không “vuốt đuôi” dịch. Cung cấp đủ hóa chất để xử lý môi trường chỉ là phần ngọn, diệt bọ gậy mới là gốc rễ của vấn đề, nên phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Trong điều trị, BVĐK tỉnh phải tăng cường sự phối hợp giữa các khoa Khám - Truyền nhiễm - Nhi, đẩy nhanh quy trình tiếp nhận, đảm bảo bệnh nhân nặng chuyển đến được điều trị nhanh nhất, hạn chế tối đa tử vong” - ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Hoàng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Sở Y tế trong hoạt động phòng, chống dịch SXH. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã dành gần 5 tỉ đồng cho phòng chống dịch; trong khi kinh phí này ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn ở mức “nhỏ giọt”. “Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tỉnh tiếp tục quan tâm đến các hoạt động đối phó với SXH, để dịch bệnh không bùng phát trên diện rộng trước nhiều yếu tố nguy cơ cao” - ông Hoàng nói.
Bệnh nhân điều trị SXH tăng 2,7 lần
Theo số liệu của BVÐK tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2016, có 2.342 lượt bệnh nhân khám SXH tại Bệnh viện, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Số ca nhập viện điều trị là 781, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ; 18 ca trong số này có dấu hiệu cảnh báo, 9 ca nặng.
NGUYỄN VĂN TRANG