Xã văn hóa nông thôn mới Ân Tường Tây:
Dân hiểu rõ lợi ích, cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu
Ân Tường Tây (Hoài Ân) là 1 trong 7 xã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích nổi bật qua 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH - gọi tắt là Phong trào). Ghi nhận này khích lệ chính quyền và nhân dân xã tiếp tục nỗ lực thực hiện Phong trào sâu rộng hơn, thực chất hơn.
Một góc thôn Phú Khương - thôn điển hình của xã Ân Tường Tây với thành tích 13 năm liên tục đạt danh hiệu Thôn văn hóa.
Nắm vững ý nghĩa của Phong trào và chăm lo thực hiện
“Trên cơ sở xác định, hiệu quả Phong trào sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ khi triển khai (năm 2000), xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chú trọng tuyên truyền cho dân hiểu lợi ích của chính họ khi tham gia thực hiện và kết hợp với phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Sơn nói về “cách xuất phát” của Ân Tường Tây khi bắt tay vào thực hiện Phong trào trong 15 năm qua.
Ông Quách Văn Hát, trưởng thôn Phú Khương - thôn điển hình của xã đã có thành tích 13 năm liên tục bảo vệ danh hiệu Thôn văn hóa - bổ sung thêm, tuy thực hiện trong thời gian dài nhưng Phong trào không “bão hòa”, nhờ chính quyền quan tâm, chăm lo và người dân đồng tình, tích cực thực hiện nên giữ được khí thế như ban đầu. Năm 2001, 1 năm sau bắt đầu thực hiện Phong trào, có 3/6 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, đến năm 2015, tỉ lệ là 6/6 thôn (trong đó 1 thôn xếp loại Khá và 5 thôn xếp loại Xuất sắc, đặc biệt trong 5 thôn văn hóa xuất sắc có Phú Khương giữ vững danh hiệu suốt 13 năm kể từ khi công nhận năm 2002).
Cùng với đó, số hộ đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa cũng tăng lên từng năm, năm 2001 tỉ lệ hộ đăng ký là 73,9%, đạt là 80,5%, năm 2015 tỉ lệ hộ đăng ký là 87% và đạt tới 99,2%.
Gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới
Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm triển khai Phong trào trên địa bàn tỉnh diễn ra cuối tháng 8.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã lưu ý các địa phương tổ chức thực hiện Phong trào phải gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Điều này cũng đã được xã Ân Tường Tây quan tâm triển khai thực hiện trong vài năm gần đây.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, khi lồng ghép, gắn kết phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng NTM, khí thế thi đua thực hiện như được nâng lên một bước. Gương mẫu đi đầu vẫn là cán bộ, đảng viên trong xã. Người dân hào hiệp hiến tiền, đất, ngày công… cho hình vóc NTM sớm hình thành. Phong trào thắp sáng đường quê được người dân ủng hộ hết mình, hiện đã phủ kín 6 thôn, tất cả xóm.
Giai đoạn 2011 - 2015, trong tổng số 91.593 triệu đồng nguồn vốn huy động được cho xây dựng NTM, phần do dân đóng góp là 17.037 triệu đồng, chiếm 18,6 % (tiền mặt là 16.306 triệu đồng, quy đổi từ hiến đất, hiến cây, hoa màu là 731 triệu đồng). Với những kết quả từ 2 phong trào TDĐKXDĐSVH và NTM, năm 2015 Ân Tường Tây đã được tỉnh công nhận Xã văn hóa nông thôn mới.
Người dân Ân Tường Tây rất phấn khởi khi những đổi thay của quê hương có phần đóng góp rất cụ thể của bản thân mỗi người. Anh Trương Thanh Nhung (39 tuổi), nông dân thôn Tân Thịnh, cho biết: “Mình rất tin tưởng vào tính đúng đắn và hiệu quả, ý nghĩa của những phong trào lớn mà nhà nước phát động. Điển hình như phong trào TDĐKXDĐSVH và NTM, bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực thấy rõ, trù phú hơn, hiện đại hơn. Tôi nghĩ có rất nhiều cách để đóng góp xây dựng quê hương. Khi bộ mặt nông thôn quê hương được cải thiện tốt hơn lên, hiện đại hơn, lại quay trở lại phục vụ chính người dân chúng ta chứ ai!”.
SAO LY