Điểm chăn nuôi tập trung ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn): Gây ô nhiễm vì xả thải trực tiếp ra môi trường
Một năm qua, hàng chục hộ dân ở thôn Mỹ Thạch (xã Bình Tân) và thôn Hòa Mỹ (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) phải chịu ô nhiễm từ điểm chăn nuôi tập trung ở xã Bình Tân. Các hộ chăn nuôi chưa thực hiện đảm bảo môi trường như đã cam kết.
Chưa thực hiện đúng cam kết
Dự án Xây dựng điểm chăn nuôi tập trung xã Bình Tân được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 22.1.2014, nhằm di chuyển hoạt động chăn nuôi ra xa khu dân cư. Theo dự án, điểm chăn nuôi này rộng gần 10 ha, nằm ở thôn Mỹ Thạch (xã Bình Tân), giáp ranh với thôn Hòa Mỹ (xã Bình Thuận). Các hộ gia đình tham gia dự án phải lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo báo cáo của UBND xã Bình Tân, đến nay, đã có 6 hộ vào chăn nuôi ở điểm này, với tổng đàn khoảng 6.000 con heo; trong đó, hộ ông Ngô Đình Sa Vi (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và ông Nguyễn Thanh Phong (ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) nuôi nhiều nhất, với quy mô khoảng 2.000 con heo/trang trại.
Nước thải xả trực tiếp ra môi trường tràn vào đất sản xuất của người dân 2 thôn Mỹ Thạch và Hòa Mỹ làm hư hại cây trồng.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở 2 thôn Mỹ Thạch và Hòa Mỹ, hơn 1 năm nay, các trang trại ở điểm chăn nuôi tập trung này không xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, mà cứ khoảng 17 giờ hàng ngày, thì xả trực tiếp ra môi trường. Dân đứng cách xa khu vực này hơn 150 m vẫn ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải phân chuồng còn theo dòng của mương Hóc Sau (từ hồ Thuận Ninh) chảy tràn vào đất sản xuất của nông dân, khiến khoảng 1 ha lúa, hoa màu bị hư hại.
Ông Bùi Văn Bích, 60 tuổi, ở xóm Ngoài, thôn Mỹ Thạch, nói: “Nhiều hộ dân ở đây phải đóng cửa cả ngày hoặc bỏ bữa cơm tối do không chịu nổi mùi hôi. Người dân địa phương còn lo nước xả thải ngấm vào mạch nước ngầm sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày”. Còn ông Mai Văn Phu, Trưởng thôn Hòa Mỹ, bức xúc: “Chúng tôi nhiều lần gửi đơn đến cấp có thẩm quyền, phản ánh tình trạng ô nhiễm, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy giải quyết”.
Cần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm
Ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, thừa nhận, các chủ trang trại đã không xây dựng đủ số lượng hầm biogas tương ứng với số lượng vật nuôi nên chất thải chưa qua xử lý chảy ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm. Hiện nay, chỉ hộ ông Vi và hộ ông Phong đã lập hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với các hộ chăn nuôi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, địa phương chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
“Theo quy định, khi dự án đi vào hoạt động phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên đến nay, hệ thống này chưa có vì không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thực hiện. Chính quyền địa phương không thể đứng ra làm vì không thuộc diện được quy định. Vả lại, kinh phí địa phương cũng hạn hẹp…” - ông Kính giãi bày.
Việc này được ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn, cho biết, ngành chức năng đã làm việc rất nhiều lần về nạn ô nhiễm tại điểm chăn nuôi tập trung xã Bình Tân. Ông Dũng nói: “Thực tế, các hộ chăn nuôi đều chưa thực hiện đảm bảo môi trường như cam kết ban đầu. Cho đến nay, chỉ có hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của hộ ông Ngô Đình Sa Vi là đầy đủ thủ tục theo quy định; các hộ còn lại vẫn chưa có. Do đây là dự án do UBND tỉnh phê duyệt, nên sắp tới, Phòng TN-MT huyện sẽ báo cáo việc này lên Sở TN-MT ”.
PHÚC LỘC