Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016:
Nhà hát Tuồng Đào Tấn “gặt mùa vàng”
Tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã gặt hái được kết quả cao về vở diễn, lẫn thành tích cá nhân của diễn viên.
Tham gia Cuộc thi năm nay, có 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đầu tư dàn dựng 17 vở diễn (10 vở tuồng, 7 vở dân ca kịch) thi tài. Tuy nhiên, chỉ có 3 vở diễn được trao HCV mà một trong số đó là vở “Nước non cửa Phật” (tác giả Văn Trọng Hùng, chuyển thể Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, nhạc sĩ NSƯT Nguyễn Gia Thiện) của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Vở diễn đạt HCV
Tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tổ chức tại Quảng Nam, Nhà hát Tuồng Đào Tấn tham dự vở “Đêm sáng phương Nam”. Kết quả, dù các diễn viên đã đoạt 2 HCV, 4 HCB, nhưng vở diễn lại không đạt giải thưởng nào. Trong khi giải thưởng về vở diễn thường được giới chuyên môn đánh giá cao nhất, bởi thể hiện thành công chung của ê-kíp tham gia sáng tạo nên vở diễn.
Vở diễn “Nước non cửa Phật” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã gặt hái nhiều thành công.
Kết quả chưa như mong đợi cách đây 3 năm đã nung nấu quyết tâm của Nhà hát Tuồng Đào Tấn tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016.
Vở “Nước non cửa Phật” thành công rực rỡ là sự kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là chứa đựng và chuyển tải những giá trị nội dung tư tưởng lớn, sâu sắc, mang tính giáo dục cao. Vở diễn tập trung xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là nhân vật lịch sử Phật hoàng Trần Nhân Tông, cùng các tuyến nhân vật khác trong bối cảnh thời nhà Trần đang đứng trước những mối nguy, đe dọa đến vận mệnh đất nước.
Qua đó, người xem có thể suy ngẫm được những bài học về lịch sử, chính trị, sự tự chủ, độc lập về văn hóa; cùng nhiều vấn đề khác vẫn mang tính thời sự hiện nay, như lời khẳng định đanh thép của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông vang vọng và “thấm sâu” trong vở diễn: “Một tấc đất của tiền nhân cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Diễn viên nỗ lực gặt hái “quả ngọt”
Vở diễn “Nước non cửa Phật” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn được đánh giá cao nhờ sự đóng góp quan trọng của lực lượng diễn viên, khi đạt được tổng cộng 3 HCV, 2 HCB. Ngoài 1 HCV “đầu bảng” càng khẳng định thêm tài năng và bề dày thành tích cống hiến của NSND Xuân Hợi, 2 HCV còn lại đều đánh dấu “cột mốc quan trọng” của diễn viên.
Qua mấy chục năm gắn bó với nghiệp diễn xuất, nghệ sĩ Đình Trương là một trong những diễn viên có nhiều thâm niên kinh nghiệm của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, với sở trường là những vai kép võ phản diện. Trong “Nước non cửa Phật”, Đình Trương được giao vai Văn Quan - một kẻ “hai lòng” thâm hiểm. Đáng ghi nhận là diễn viên này đã nỗ lực “lột xác” thành công, lần đầu tiên đoạt HCV trong cuộc thi tài cấp cao nhất của đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp.
“Vai Văn Quan khiến tôi phải thay đổi hoàn toàn trong diễn xuất của mình. Vốn quen với những vai võ tướng đi đứng, ăn nói mạnh bạo; còn vào vai dạng quan văn này thì phong thái nhỏ nhẹ, sâu hiểm. Bởi vậy, lúc tập luyện, tôi thấy rất khó khăn. Các thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát như NSND Xuân Hợi, NSND Minh Ngọc đã hướng dẫn để tôi đã cố gắng nhập vai, bảo đảm thành công chung cho vở diễn. Tấm HCV đạt được là sự ghi nhận, động viên tinh thần rất lớn đối với tôi” - nghệ sĩ Đình Trương chia sẻ.
Diễn viên Thu Thẳm, năm nay 37 tuổi nhưng mới có gần 10 năm gắn bó với sự nghiệp diễn xuất ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Có tố chất của diễn viên nhiều tiềm năng phát triển, nên mới vừa nghỉ sinh xong, chị đã được Nhà hát tin tưởng giao vai cung nữ Diệu Hương trong vở diễn. Nghệ sĩ Thu Thẳm tâm sự: “Lần đầu tiên đảm nhận một vai chính trong Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, lại là vai diễn khó, nên tôi gặp nhiều áp lực. Từ sự quan tâm động viên của lãnh đạo Nhà hát, các thế hệ diễn viên đi trước, đặc biệt là sự chỉ dạy tận tình của NSND Hòa Bình, tôi đã từng bước vượt qua và hóa thân vào nhân vật. Khi nghe kết quả đạt HCV, tôi cứ lâng lâng như trong mơ!”. Điều như trong mơ của diễn viên Thu Thẳm đã thành hiện thực, bởi chị được các thành viên Ban giám khảo đánh giá là có giọng hát hay, xử lý tốt nhiều làn điệu, thể hiện tốt chuyển biến nội tâm của nhân vật trong vở diễn.
Cùng với Thu Thẳm, 2 diễn viên còn lại của Nhà hát Tuồng Đào Tấn đạt HCB trong vở diễn là NSƯT Thanh Bình (vai Cẩm Vân) và nghệ sĩ Ngọc Nhân (vai Trần Anh Tông) đều ở tuổi U40. Ngoài ra, còn có 2 diễn viên trẻ U30 là Thái Phiên (vai Nhữ Hài), Lương Quyên (vai công chúa Huyền Trân) được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen.
Những năm qua, việc gầy dựng lực lượng diễn viên kế cận ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn luôn là “vấn đề cấp bách”, nhận được nhiều sự quan tâm. Bởi vậy, kết quả Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực này.
HOÀI THU