Đừng vì túng quá hóa liều
Vì tiền, có những người nghĩ ra nhiều thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Những vụ án dưới đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai lười lao động nhưng thích kiếm tiền nhanh bằng cách gian dối, để rồi trả giá bằng những năm tháng trong nhà giam.
Bị cáo Đặng Kim Hạnh trước vành móng ngựa.
1.
Với lý do cần tiền chữa bệnh, Trần Thị Thu Hà (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) nảy sinh ý định mua dây chuyền giả đem mạ vàng. Rồi Hà ra tiệm vàng, mua dây chuyền có khối lượng tương đương với dây chuyền giả; bán lại dây chuyền thật ngay sau đó và giữ lại hóa đơn mua vàng. Hà mang vàng giả kèm hóa đơn mua vàng thật đi cầm cố. Với thủ đoạn này, từ tháng 7.2004 đến tháng 2.2005, Hà đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người, với tổng tiền 43 triệu đồng.
Sau khi thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Hà bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh. Để qua mặt cơ quan chức năng, Hà thường xuyên thay đổi chỗ ở. Tuy nhiên, sau hơn 11 năm lẩn trốn, cuối cùng, Hà đã phải ra trước vành móng ngựa để chịu tội cho hành vi lừa đảo năm nào.
Tại phiên tòa sơ thẩm, được TAND TP Quy Nhơn xét xử mới đây, trả lời Hội đồng xét xử tại sao lại bỏ trốn, Hà đáp: “Vì sợ”. - “Vậy bị cáo có trốn được không?” - đại diện Hội đồng xét xử nhẹ nhàng. Trước câu hỏi này, Hà bật khóc và cho biết, bị cáo vừa đi làm thuê, vừa trốn chui trốn nhủi.
Có lẽ, ân hận với hành vi của mình, nên suốt phiên xử, Hà luôn cúi gằm và khóc. Khóc vì sự thiếu suy nghĩ của mình đã làm liên lụy nhiều người và cái giá phải trả là những năm tháng xa quê, sống trong nỗi bất an và cuối cùng là bản án 2 năm tù giam.
2.
Để có vốn cho hoạt động kinh doanh đa ngành, từ xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi đến mua bán vật liệu xây dựng nội, ngoại thất, vợ chồng Đặng Kim Hạnh (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đã vay ngân hàng và của nhiều người bên ngoài với lãi suất cao. Đứng trước việc kinh doanh bị thua lỗ, năm 2007, vợ chồng Hạnh vẫn cố chèo chống bằng việc tiếp tục vay mượn thêm của bà Bùi Thị Thu Dung hơn 1 tỉ đồng để trả nợ cũ. Sau đó, Hạnh chỉ mới trả lại cho bà Dung 300 triệu đồng rồi bỏ trốn. Đến cuối năm 2014, Hạnh bị bắt theo lệnh truy nã tại TP Hồ Chí Minh.
Tại tòa, đại diện phía bị hại cho biết: “Thấy vợ chồng bà Hạnh có công ty TNHH chuyên ngành xây dựng nên khi bà Hạnh hỏi vay tiền để đóng tiền đấu thầu các công trình thì không nghi ngờ và nhiều lần cho vay tiền”. Chính sự tin tưởng này đã bị vợ chồng Hạnh lợi dụng. Và bà Dung cũng vì buồn phiền chuyện bị lợi dụng, bị lừa mất hết số tiền dành dụm cả đời, đã ngã bệnh và qua đời.
Tòa hỏi, dùng số tiền chiếm dụng của bà Dung làm gì. Bị cáo Hạnh trả lời, chủ yếu để trả nợ cá nhân và chi tiêu cho gia đình. Và bị cáo Hạnh chỉ biết cúi đầu im lặng khi Hội đồng xét xử phân tích: “Chỉ vì muốn giải quyết khó khăn tài chính của bản thân mà lại đi lừa đảo người khác để rồi mang cái khổ cho người khác. Bản thân bị cáo thấy hành vi của mình sai trái không?”. 7 năm tù giam là cái giá mà bị cáo Hạnh phải trả, cùng với việc phải trả lại số tiền đã chiếm dụng trước đó của bà Dung.
3.
Phạm tội và ý thức được hành vi phạm tội của mình nên sau khi thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, các bị cáo đều tìm đường trốn chạy. Cả Hà và Hạnh đều chọn TP Hồ Chí Minh là nơi ẩn náu. Tuy nhiên, họ vẫn không thoát được, như lời nức nở sau cùng của Hà: “Trong suốt thời gian trốn tránh pháp luật, bị cáo luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ. Khi bị bắt, bị cáo thấy nhẹ lòng hơn”.
Tuy vậy, những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng của các bị cáo không giúp được họ thoát án tù. Đây là bài học, lời nhắc nhở mọi người nên vững lòng trước những khó khăn, biến cố của cuộc sống, đừng vì phút nông nổi mà lừa đảo người khác, để rồi đánh mất quãng đời tương lai sau song sắt nhà tù.
NHẬT LINH - KIM CHI