Tự hào sân khấu tuồng, bài chòi chuyên nghiệp Bình Ðịnh!
Có thể nói, bảng thành tích nghệ thuật thật ấn tượng mà 2 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp của tỉnh ta (Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định) mang về từ Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 - một cuộc thi mang tính cạnh tranh chuyên môn rất cao - đã làm nức lòng người mộ điệu.
Thành tích ấn tượng mà vở tuồng Nước non cửa Phật vừa tạo ra khiến nhiều người đặt kỳ vọng vở diễn về đề tài lịch sử này sẽ lặp lại thành tích rực rỡ mà vở bài chòi Khúc ca bi tráng (ảnh) đã đạt được 3 năm về trước.
Thành tích ấy không chỉ khẳng định năng lực chuyên môn của từng đơn vị với bạn nghề cả nước mà quan trọng hơn là tiếp tục khẳng định bề dày truyền thống, vị trí hàng đầu của Bình Định ở 2 loại hình sân khấu truyền thống này. Nói cách khác, nói về tuồng hay bài chòi ở Việt Nam, địa phương khiến người ta nghĩ ngay đến là Bình Định!
Nhà hát tuồng Đào Tấn đã xuất sắc giành 1 trong 3 HCV dành cho vở diễn trên tổng số 17 vở diễn tham gia Cuộc thi (2 HCV còn lại thuộc về vở tuồng Chuyện bịa ở làng Vòm (Nhà hát tuồng Việt Nam) và Thầy và trò (Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ) cùng nhiều HCV, HCB cá nhân của Bộ VH-TT&DL, Bằng khen của Hội Sân khấu Việt Nam cho diễn viên.
Với HCV vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, điều đáng nói ở đây là, khi tham gia Cuộc thi với vở tuồng Nước non cửa Phật, đại diện của tuồng Bình Định đã “không hẹn mà gặp” về đề tài với Nhà hát tuồng Việt Nam - cũng dự thi vở Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phải biết rằng, đây là vở tốt - ngay từ lần ra mắt nhân kỷ niệm 707 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông về cõi niết bàn, vở đã được giới truyền thông tập trung tuyên truyền. Cạnh tranh trên cùng đề tài với một đơn vị nghệ thuật trung ương, mà phần thưởng cao nhất thuộc về Nhà hát tuồng Đào Tấn đủ sức nói lên thành công của vở diễn này.
Thành công của vở tuồng đề tài lịch sử Nước non cửa Phật ở Cuộc thi năm nay khiến người ta nhớ đến thành quả rực rỡ mà vở bài chòi Khúc ca bi tráng (của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định) đã tạo ra tại Cuộc thi năm 2013: HCV đầu bảng cho vở diễn, giải tác giả xuất sắc nhất và các huy chương cá nhân cho diễn viên. Không dừng lại ở đó, giải thưởng sân khấu năm 2013 cũng đã trao giải A và giải đạo diễn xuất sắc nhất cho vở diễn này. Sân khấu Bình Định “đi” trên thế mạnh khai thác về đề tài lịch sử, hy vọng Nước non cửa Phật sẽ lặp lại kỳ tích như vở Khúc ca bi tráng.
Ở bộ môn dân ca bài chòi, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định kỳ này tuy không nhận được huy chương vở diễn song thành tích cũng đầy tự hào. Trong đó điểm đáng ghi nhận nhất, tương tự như vở Khúc ca bi tráng trước đó, vở diễn dự thi kỳ này - Hồn tháp - là tác phẩm nghệ thuật của người Bình Định. “Chất địa phương” 100%! Trong khi phần lớn đơn vị nghệ thuật phải tìm kịch bản của tác giả ngoài tỉnh để xây dựng vở diễn hoặc mời đạo diễn bên ngoài về làm vở thì vở diễn của đại diện bài chòi Bình Định là sản phẩm rặt ròng của người Bình Định, từ kịch bản (tác giả Văn Trọng Hùng) đến chuyển thể (NSƯT Tấn Hào, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), đến đạo diễn (NSND Hoài Huệ, Trưởng đoàn) và ê-kíp nghệ sĩ biểu diễn. Có thể nói, đây chính là nét riêng thú vị, là điều tự hào của Bình Định tại sân chơi chuyên môn này. Điều ấy nói lên “dây chuyền” làm nên một tác phẩm sân khấu, cụ thể ở đây là một vở diễn bài chòi, ở Bình Định là khép kín, không bị thiếu ở bất cứ khâu sáng tạo nào!
Một điều tự hào nữa của Bình Định tại Cuộc thi trên, Ban tổ chức chỉ trao duy nhất một giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải này lại thuộc về người Bình Định, đó là NSND - đạo diễn Hoài Huệ.
SAO LY