Tình trạng sạt lở dọc các bờ sông tại huyện Hoài Ân: Hàng trăm hộ dân bị đe dọa nghiêm trọng
5 năm trở lại đây, dọc các bờ sông Lại, Kim Sơn, Tà Lan đoạn qua xã Ân Mỹ, Ân Tường Tây, Bok Tới (huyện Hoài Ân) bị sạt lở với tốc độ chóng mặt. Hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông vừa bị mất đất sản xuất vừa thấp thỏm nỗi lo có thể bị sông “nuốt” bất chợt.
Sông Tà Lan ở xã Bok Tới xâm thực, khoét sâu vào đất sản xuất, đất ở của người dân thôn T6, tạo thành vực cao hơn 10 m, rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 10 hộ dân.
Vừa sống vừa run
Sông Lại đoạn chảy qua xã Ân Mỹ dài khoảng 12 km giáp với 5 thôn: Mỹ Thành, Mỹ Đức, Long Quang, Long Mỹ, Đại Định. Theo phản ánh của người dân, trước năm 2010, bờ sông cách đất canh tác, đất ở hơn 30m. Giờ đây lòng sông ngày càng “phình” ra, liên tục “ăn” vào khu đất sản xuất tạo thành những “hàm ếch” hoặc những bờ vực dựng đứng sâu hơn 6m- trông rất nguy hiểm. Nhiều loại cây bụi được trồng để giữ đất cũng không “trụ” được lâu trước nạn xâm thực, sạt lở diễn ra quá nhanh.
Bà Châu Thị Bảy (44 tuổi, đội 5, thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ) lo lắng: “Đến mùa con nước lớn, cả xóm đều bất an tột độ do nhìn thấy cây cối, đất đai, vườn tược chìm xuống đáy sông. Nhiều đêm đang ngủ nghe tiếng ầm ầm ở phía sau nhà do sạt lở là gia đình nháo nhào. Hiện nhà tôi chỉ cách mép bờ sông hơn 3 m, không biết mùa mưa sắp tới sẽ ra sao đây”.
Theo UBND xã Ân Mỹ, bờ sông lở đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của 120 hộ dân. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 m2 đất ở và đất sản xuất của dân đổ ập xuống lòng sông; trong đó, khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất là ở đội 5, thôn Mỹ Đức.
Tương tự, ở bờ tả của sông Tà Lan, đoạn chảy qua thôn T6, xã Bok Tới đang bị sạt lở nghiêm trọng khoảng 200 m, tạo thành vách dựng đứng sâu khoảng 10 m, ảnh hưởng đến cuộc sống của 10 hộ dân.
Còn theo thống kê của UBND xã Ân Tường Tây, đến nay bờ sông Kim Sơn bị sạt lở dài khoảng 800 m, cuốn trôi gần 25.000 m3 (khoảng gần 8.000 m2) gồm đất ở, đất sản xuất của dân, đất công ích và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 50 hộ dân. Cá biệt, ở khu vực Truông Gò Bông, thuộc xóm Đồng Chăm, thôn Tân Thạnh, mép bờ sông Kim Sơn bị sạt lở nằm gần sát tỉnh lộ 630, nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường.
Ông Trần Thanh Phong, 60 tuổi, ở xóm 6B, thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây, nói: “Chúng tôi đã trồng cây, đổ thêm đất đá, xà bần để khỏi bị sông “nuốt” đất, cuối cùng chỉ là “dã tràng xe cát”, sạt lở vẫn tiếp tục sạt lở. Dân đã nhiều lần kiến nghị đến cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết”. Theo bà Nguyễn Thị Thường Xuân, cán bộ địa chính xã Ân Tường Tây, nếu không khắc phục tình trạng sạt lở tại Truông Gò Bông thì trong tương lai, nước sông sẽ khoét rỗng dưới chân ĐT 630, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Khắc phục: Huyện không kham nổi
Theo phản ánh của các địa phương, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông là do sự thay đổi tự nhiên của dòng chảy theo quy luật “bên lở bên bồi”. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị tình trạng này trong các cuộc họp. Chính quyền địa phương cũng gửi nhiều văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền, đề nghị xây dựng bờ kè. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần kiểm tra thực tế, cấp có thẩm quyền vẫn chưa phản hồi.
Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Ngành chức năng đã nhận được đơn kiến nghị của nhân dân và chính quyền địa phương và đang soạn thảo văn bản phúc đáp. Đúng là có tình trạng sạt lở nhưng vì kinh phí của huyện có hạn nên việc đầu tư chỉ ở mức độ tạm thời. Còn về lâu dài phải cần đến cấp tỉnh, cấp trung ương quan tâm, hỗ trợ, đầu tư kinh phí, chứ thực sự tài lực của cấp huyện không kham nổi”.
Về các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, ông Nguyễn Hà Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, cho biết: “Hằng năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân đến nơi trú an toàn; đồng thời phân công cán bộ địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc di dời; nhất là các hộ gia đình nằm sát mép sông”. Còn theo ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, thì: “Trước mỗi mùa mưa lụt, chính quyền vận động người dân đắp các bao tải cát, đất đá, đóng cọc tre hoặc trồng các loại cây bụi để hạn chế tình trạng sạt lở. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế”.
Vì vậy, hàng trăm hộ dân sống dọc các bờ sông tại huyện Hoài Ân lại phải tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì nạn xâm thực, phá bờ trong mùa mưa sắp tới.
PHÚC LỘC