Vân Canh: Cần tăng cường công tác bảo vệ, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản
Đây là các kiến nghị chủ yếu của Ban Pháp chế HĐND tỉnh với lãnh đạo huyện Vân Canh, tại cuộc giám sát tình hình an ninh, trật tự xã hội nông thôn trên địa bàn huyện, vào sáng 6.9. Vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng diễn ra phức tạp và khai thác cát không đúng quy định làm ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống người dân là những vấn đề nổi lên ở Vân Canh thời gian qua.
Báo cáo của UBND huyện Vân Canh cho biết, tình hình phá rừng trên địa bàn huyện từ năm 2015 đến nay diễn biến hết sức phức tạp, trong khi công tác xác minh, điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện xảy ra 23 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá gần 368 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đã có 20/23 vụ xác định được đối tượng thực hiện hành vi và tất cả đều là người dân tộc thiểu số.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát (người đứng), phát biểu tại buổi giám sát.
Ông Cái Minh Long, Phó Trưởng CA huyện Vân Canh, cho biết: “Nguyên nhân của tình hình trên là do giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao, nên người dân phá rừng để trồng keo; mặt khác công tác quản lý, bảo vệ rừng của một số chủ rừng chưa thường xuyên, chặt chẽ; và việc xử lý đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn”. Ông Long dẫn chứng, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính 11 vụ/11 đối tượng phá rừng (đều ở xã Canh Liên) với số tiền phạt 15 - 40 triệu đồng/người, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì hầu hết số người vi phạm trên đều thuộc diện hộ nghèo nên họ xin giảm hoặc miễn tiền phạt, và huyện đang chờ xin ý kiến các ngành chức năng của tỉnh.
Về khai thác cát, hiện nay trên địa bàn huyện có 7 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Vinh, Canh Hiển. Các doanh nghiệp này tuy được cấp phép nhưng quá trình khai thác lại thực hiện không đúng quy trình, gây sạt lở, làm mất đất sản xuất của các hộ dân hai bên bờ sông, việc vận chuyển cát gây hư hỏng đường, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Và cũng từ đây, đã xảy ra nhiều lần vụ việc người dân ra chặn đường, chặn xe, không cho các doanh nghiệp khai thác hoạt động, gây mất ANTT địa bàn. Điển hình như ngày 27.6, 40 người dân của thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển ngăn cản không cho xe vào khai thác tại mỏ cát của Công ty Nắng Ban Mai.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Trước tình hình này, chúng tôi đã làm việc nhiều lần với các hộ dân có liên quan nhưng hầu hết các hộ nhất quyết không đồng ý cho các doanh nghiệp tiếp tục khai thác. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện đều đã dừng hoạt động. Huyện cũng thành lập đoàn công tác làm việc với các doanh nghiệp khai thác cát, yêu cầu họ tuân thủ đúng quy trình khai thác. Mặt khác, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, hạn chế cấp phép khai thác cát; đồng thời khảo sát, đánh giá đúng trữ lượng và thực trạng khai thác cát trên sông Hà Thanh”.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, đánh giá cao sự chủ động trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm của huyện Vân Canh, đặc biệt huyện chưa xảy ra tội phạm về ma túy. Đồng thời, ông Sơn cũng đề nghị huyện Vân Canh có văn bản chỉ đạo cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát các ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên rừng; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình về ANTT; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đảm bảo ANTT tại địa phương; tăng cường xét xử lưu động để tuyên truyền và giáo dục phòng ngừa chung, nhất là phối hợp giữa các ngành liên quan để đa dạng hóa công tác tuyên truyền.
NGUYỄN HỒNG PHÚC