Cái giá phải trả của mộng làm giàu bất chấp
Tôi gặp phạm nhân L.M.H. (SN 1969) tại Trại giam Kim Sơn khi anh ta đang biểu diễn một tiết mục văn nghệ do Trại tổ chức hôm tháng 7.2016. H., giọng ấm áp, trình diễn tự nhiên như người chuyên nghiệp. Nếu không biết khá tường tận vụ án nổi đình đám “Phòng khám Thảo Sanh tại Quy Nhơn” từ 7 năm trước thì có lẽ tôi đã không nhận ra phạm nhân này.
Năm 2012, H. bị TAND tỉnh tuyên phạt 17 năm tù, vợ của H. là N.T.K.T. bị tuyên 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 18 tỉ đồng. “Vợ chồng tôi thụ án đã hơn 5 năm, vợ tôi chắc sang năm được ra, tôi thì còn chục năm nữa. Hai vợ chồng ở khác khu, mỗi tháng được gặp nhau một lần, nhưng phải có đơn xin phép gặp”, phạm nhân H. kể chuyện.
Vợ H. là nhân viên kế toán của một bệnh viện. H. nguyên là trưởng phòng một cơ quan nhà nước cấp tỉnh, điều hành thêm một công ty kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin. Họ có một cơ ngơi kha khá, có mảnh đất khá đắc địa kinh doanh cà phê. Nhưng sự đời có phải ai cũng thấu triệt câu “biết đủ là đủ”, người đã giàu càng muốn giàu thêm bởi suy nghĩ nước vẫn chảy chỗ trũng.
Bởi vậy, khi kinh doanh giải khát không hiệu quả, vợ chồng H. chuyển sang kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong khi không có vốn đầu tư. “Tiền đầu tư cơ sở vật chất cho phòng khám rất lớn nhưng vì thời gian đầu không có lợi nhuận, nên phải vay mượn bên ngoài để duy trì hoạt động. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mới chồng nợ cũ”. H. kể. Năm 2011, khi ngân hàng xiết chặt chính sách tín dụng, H. mất khả năng chi trả, mượn chỗ nọ trả chỗ kia. Từ số nợ ban đầu là 1 tỉ, sau tăng dần lên 4 tỉ, 6 tỉ và cuối cùng số tiền mà vợ chồng họ vay mượn lên đến 17,8 tỉ đồng.
“Vậy sai lầm lớn nhất khi đó là gì?”, tôi hỏi. Phạm nhân H. buồn rầu nói: “Về khách quan, lúc chúng tôi làm thì kinh tế khủng hoảng, Nhà nước thắt chặt tín dụng. Còn về chủ quan, mình đã không biết lượng sức mình, cứ nghĩ tiếp tục đầu tư rồi sẽ có ngày lấy lại vốn, rồi sẽ qua cơn bĩ cực. Nhưng thực tế thì không phải vậy, khắc nghiệt lắm”.
Ngẫm nghĩ một lát, anh ta bảo: “Mình có tội, đành chịu. Nhưng tội nhất là những người thân đã bị tôi đẩy vào bước đường cùng, họ có tội gì đâu. Ba mẹ giao hết mọi tài sản, nhà cửa cho tôi thế chấp, cuối đời phải đi ở nhờ. Cha tôi mất năm 2014, một tuần sau tôi mới biết. Mẹ tôi bây giờ ở nhờ con cháu dưới quê. Thời con tôi vào đại học, anh em trong cơ quan cũ thương tình vận động giúp tiền cho nó đi học. Hai chị em nó tự làm tự nuôi nhau. Trong những tội lỗi nặng nhất của con người mà Phật dạy, tôi mắc phải tội lớn nhất, là bất hiếu với mẹ cha. Có những cái sai có thể sửa chữa được, song nỗi đau tôi gây ra cho cha mẹ thì làm gì còn có dịp”.
Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Tiếc rằng, khi nhận ra thì đã quá muộn màng.
NGUYỄN NAM