Từ vụ 3 học sinh Trường THPT Tây Sơn bị đuối nước: Bài học không của riêng ai
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại sông Côn - đoạn sông giáp ranh giữa thôn An Chánh, xã Tây Bình và thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (Tây Sơn) vào chiều 5.9. Dự khai giảng xong, một số học sinh Trường THPT Tây Sơn đã rủ nhau ra sông chơi. Bị sụt phải hố cát giữa dòng, lại không biết bơi, 3 em đã bị đuối nước.
Tang thương trong ngày khai giảng
Em Nguyễn Thị Dung - HS lớp 12A6, Trường THPT Tây Sơn - đã chứng kiến toàn bộ giây phút kinh hãi ở sông Côn chiều hôm ấy, kể lại: Sáng 5.9, khai giảng xong, bọn em về nhà bạn Nguyễn Hoàng Bảo (học cùng lớp) chơi. Gần 2 giờ chiều, cả nhóm gồm 11 người (5 nam và 6 nữ), rủ nhau ra cầu sạp ở thôn An Chánh, xã Tây Bình hóng gió. Đến nơi, các bạn ngồi dưới chân cầu sạp chơi. Riêng 4 bạn là Nguyễn Hoàng Bảo, Nguyễn Công Phi, Bùi Trung Thắng (học cùng lớp với Dung) và Võ Thành Luân (SN 1999, HS lớp 11A9) ra đoạn sông cách nơi bọn em ngồi 50m tạt nước qua lại. Chơi được vài phút thì áo ướt nên các bạn cởi áo ra móc lên cầu sạp phơi nắng, rồi đi xuống một ao nước sâu chừng 0,3m gần đó để chụp hình. Chụp chừng 1 tấm thì các bạn nói cùng nhảy lên để chụp cho đẹp, nhưng chưa kịp nhảy lên cát lún dần xuống, chỉ có bạn Bảo trườn lên được. Bọn em vội chạy đi gọi người dân gần đó ứng cứu, nhưng khi mọi người đến nơi thì không kịp nữa rồi. Theo lời người dân thôn An Chánh, xã Tây Bình (Tây Sơn), vị trí mà 3 HS chết đuối là một hố cát đã bị khai thác nhưng không hoàn thổ.
Sông Côn, đoạn giáp ranh giữa thôn An Chánh, xã Tây Bình và thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (Tây Sơn) nơi mà 3 HS đuối nước vào chiều 5.9. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, cho biết sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Tây Sơn đã cử một tổ công tác xuống địa bàn, khám nghiệm sơ bộ nguyên nhân chết của các cháu; đồng thời, làm thủ tục bàn giao thi thể các em về cho gia đình lo hậu sự. Ngay trong ngày, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã trực tiếp đến động viên gia đình các em vượt qua nỗi đau. Trước mắt, huyện hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng.
Chuyện không của riêng ai
Đây không phải là lần đầu tiên HS cấp 3 bị đuối nước. Từng xảy ra rất nhiều trường hợp thương tâm tương tự. Giá như các em biết bơi hoặc biết các kỹ năng thoát hiểm hoặc sơ cấp cứu ban đầu, có lẽ hậu quả sẽ không thương tâm đến thế. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh có 45 trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống) tử vong thì có 31 trường hợp bị đuối nước; 8 tháng đầu năm 2016 là 11 trong số 16 trẻ tử vong.
5 năm gần đây, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra tràn lan tại nhiều con sông như sông Côn, Hà Thanh, Lại giang, La Tinh. Sau khi khai thác xong, các đơn vị khai thác thường không hoàn trả mặt bằng, tạo ra nhiều hố sâu nguy hiểm dưới sông. Năm 2013, có 2 vụ tử vong do sụp hố cát ở sông làm 3 trẻ chết đuối (1 ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh và 2 ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Tháng 3.2016, một người dân tử vong do bị sụp hố sâu tại lòng sông La Tinh - đoạn qua xã Mỹ Hiệp, Phù Mỹ.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết thời gian qua, Sở đã tham mưu, phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước, tổ chức các lớp học bơi miễn phí, kỹ năng thoát hiểm, phát cặp phao cho học sinh ở vùng sông nước... Tuy nhiên, do bản tính hiếu động, nhiều em - dù đã được giảng dạy, tuyên truyền - vẫn liều lĩnh chơi ở vùng ao hồ, sông nước; một số gia đình còn buông lỏng quản lý con em sau giờ học. Đặc biệt, theo bà Hương, do kinh phí xây dựng bể bơi lớn nên nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa có hồ bơi để cho trẻ học bơi. Đây là một trở ngại lớn khi muốn phổ cập bơi cho trẻ.
Bà Hương nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương tích cực tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, dạy các kỹ năng thoát hiểm, sơ cấp cứu ban đầu, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần tích cực tạo nên môi trường an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn cho các em. Về lâu dài, theo tôi, nên nghiên cứu đến giải pháp kêu gọi xã hội hóa xây dựng bể bơi tại các địa phương có nhu cầu”. Thầy Nguyễn Duy Bửu, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Sơn, cũng nói: “Trường có quỹ đất xây dựng bể bơi nhưng kinh phí đầu tư quá lớn. Trước mắt, để ngăn ngừa tình trạng đuối nước trong học đường, nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không được ra vùng sông nước để nghịch, tắm; đồng thời, yêu cầu phụ huynh nhắc nhở, quản lý các em cảnh giác với sông nước”.
NHƠN HỘI- THU HÀ
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; tích cực khuyến cáo HS không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và không an toàn như sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác; cử giáo viên môn Giáo dục thể chất các trường phổ thông tham dự lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về phương pháp dạy bơi, cứu đuối cho HS. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho HS trong các trường chưa thể thực hiện được do chưa có trường nào có hồ bơi.
NGỌC TÚ (ghi)