Giảm nỗi lo rạn da
Rạn da ở phụ nữ thường xảy ra ở những vùng da mỏng và yếu như bụng, mặt trong đùi, bẹn, mông... không chỉ xuất hiện ở các phụ nữ sau sinh mà còn ở lứa tuổi dậy thì. Dù rạn da không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại làm mất vẻ đẹp cơ thể, khiến nhiều người lo lắng.
1.
Rạn da thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai và béo phì. Nhiều chị em khi bắt đầu mang thai đã tìm hiểu rất kỹ phương pháp phòng ngừa. Chị Thu Hà (32 tuổi, hẻm 08 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) không lo lắng gì về các vết rạn cho đến khi sinh nở. Quá trình mang thai, chị tăng 14 kg, cân nặng sau sinh giữ ở mức trên 60 kg. Khi con tròn 6 tháng tuổi, chị Hà bắt đầu đi làm, cơ thể giảm trọng lượng dần dần thì phát hiện các vết rạn da xuất hiện ngày càng nhiều. Chị Hà bộc bạch: “Giờ thì bụng tôi trông nhăn nhúm, vết rạn khá sâu, màu trắng xà cừ chằng chịt rất xấu. Tôi rất tự ti nên luôn tìm cách ăn mặc kín đáo không để hở bụng, kể cả khi đi tập thể dục thẩm mỹ”.
Còn chị Nguyễn Thị Liên (37 tuổi, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) bỗng nhiên tăng cân liên tục. Chị cố gắng nhịn ăn, tập thể dục nhưng vẫn không cải thiện được tình hình, khiến da bắt đầu rạn ở hai bên đùi và vùng đầu gối; sau đó là vùng bụng rồi lan dần lên ngực, mông, khuỷu tay, thắt lưng. Chị Liên vừa lo vừa rối, tìm đọc trên mạng và chữa bằng thuốc dân gian nhưng bệnh không những không thuyên giảm mà còn khiến da dị ứng, nổi mụn.
2.
Theo quan niệm của nhiều người, rạn da chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai, do đó, một số bạn trẻ khi thấy da bị rạn, liền cho rằng đây là hiện tượng lạ. Chính lối suy nghĩ đơn giản này khiến nhiều cô gái lo lắng, thậm chí là tự ti, mặc cảm khi vết rạn xuất hiện ở vùng da dễ nhận biết như bụng, đùi, chân. Những ngày hè, Thanh Hồng (17 tuổi, đường Phạm Ngũ Lão, TP Quy Nhơn) lúc nào cũng quần áo “kín như bưng” không dám đi tắm biển. Hỏi thăm, Hồng mới thổ lộ, tự nhiên ở đùi và vai xuất hiện những vết rạn song song với nhau. Vết rạn từ mờ mờ chuyển thành màu đỏ rồi trắng. Hồng được mẹ mua cho thuốc bôi và dùng dầu dừa, dầu ôliu đủ loại nhưng chẳng đỡ.
Cũng có bạn gái lại tự chữa bằng cách tắm nước nóng, chà xát chanh tươi liên tục cả tháng khiến cho da vùng bị rạn phồng rộp lên, phải đến bệnh viện.
3.
Sự thật, rạn da có thể xuất hiện ở bất cứ ai. Ước tính có khoảng 75- 90% sản phụ bị rạn da ở bụng, do da bị căng khi thể tích bụng tăng dần theo sự phát triển của thai nhi. 70% nữ và 40% nam ở tuổi dậy thì bị rạn da do sự phát triển nhanh chóng hệ cơ, xương. 10% người béo phì bị rạn da do lượng mỡ dưới da dư thừa quá mức, gây căng da.
Theo chị Đặng Thị Thanh Thy, chủ Thẩm mỹ viện Khánh Thy (số 202 Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) thì rạn da không dễ điều trị. Vì vậy, ngay khi nhìn thấy sự xuất hiện của những vết rạn da, chị em nên sớm đến các trung tâm thẩm mỹ uy tín để được hướng dẫn các phác đồ điều trị thích hợp, tránh trường hợp tự điều trị không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ sẹo.
Chị Thy cho biết: “Hiện nay, Thẩm mỹ viện có 3 liệu trình: phục hồi thư giãn, phục hồi tái tạo và da ngọc dáng ngà, dành cho các bà mẹ mang thai và sau sinh. Trong đó, liệu trình phục hồi tái tạo giúp phụ nữ hồi phục các vùng da thâm, rạn nhanh chóng”.
Được biết, hiện nay, một số bệnh viện trong và ngoài tỉnh sử dụng công nghệ vi điểm Max Matrix. Trường hợp vết rạn nhẹ, chỉ sau một lần (30 phút) điều trị bằng công nghệ bắn vi điểm màu sinh học, vùng rạn da được xóa mờ. Trường hợp rạn da nặng, vệt rạn da lớn, cần một liệu trình điều trị kéo dài khoảng 2 - 4 tháng hoặc lâu hơn nếu tình trạng rạn da quá nặng, để da được tái tạo và hình thành các lớp collagen và elastin mới, làm đầy vết rạn và đồng đều màu da.
Song, bất cứ phương pháp điều trị nào cũng vậy, sau khi vết rạn da đã bị xóa mờ, bạn vẫn cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng hợp lý. Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh là thời điểm phù hợp để điều trị rạn da.
CÔNG HIẾU