Quyết không… “đánh cược”!
Trong những ngày gần đây, việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến xây dựng dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen trị giá tới hàng chục tỉ USD, công suất hàng chục triệu tấn/năm tại tỉnh Ninh Thuận, đã dấy lên những luồng dư luận trái chiều. Đây không phải là điều quá bất ngờ bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra vẫn còn đang ám ảnh dư luận bởi những hệ lụy mà nó gây ra.
Điều mà dư luận cũng hết sức băn khoăn nữa là hiện các nhà máy sản xuất thép trong nước mới chỉ khai thác được hơn một nửa công suất đầu tư, ngành thép thế giới đang ở trong trạng thái thừa sản lượng, thị trường suy thoái thì việc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này của Hoa Sen sẽ khó mà có hiệu quả. Tất nhiên việc tính toán làm ăn là của nhà đầu tư, nhưng trước một đáp án không mấy khả quan mà đầu tư một số vốn khổng lồ như vậy sẽ ảnh hưởng không tích cực đến nguồn lực phát triển kinh tế quốc gia.
Chuyện đặt nhà máy sản xuất thép của Hoa Sen ở Ninh Thuận, vốn là một địa phương nằm trong khu vực có lượng mưa ít nhất Việt Nam, thường xuyên thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt trong khi sản xuất thép cần rất nhiều nước ngọt tiềm ần nguy cơ dẫn đến những “xung đột” khác cũng là điều nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo.
Trong các vấn đề được dư luận hết sức quan tâm với dự án sản xuất thép “tỉ đô” của Hoa Sen thì việc làm thế nào và bằng công nghệ gì để đảm bảo không gây những tổn thất ghê gớm do ô nhiễm môi trường gây ra vẫn đang là câu hỏi không có lời giải thuyết phục. Bài học “nhãn tiền” của Formosa vẫn còn nóng hổi với việc ngư dân phải cất tàu, treo lưới bỏ biển, việc các ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch, chế biến thực phẩm… của các địa phương bị ảnh hưởng lâm vào cảnh đìu hiu cho thấy hệ lụy của sản xuất thép với môi trường là đáng cảnh giác. Mặc dù Chính phủ đã và đang chỉ đạo các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng nỗ lực khắc phục sự cố này nhưng hậu quả của nó chưa biết đến bao giờ mới giải quyết hết được.
Từ câu chuyện làm thép của Hoa Sen và Formosa có thể nói chúng ta đã có thêm những bài học vô cùng quý giá cho vấn đề bảo vệ môi trường trên bình diện thu hút đầu tư, đặc biệt là vấn đề thẩm định, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát tác động môi trường ở các dự án có hoạt động xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
Thực tế thời gian qua cho thấy, vì yêu cầu phát triển trước mắt, nhiều nơi đã chủ trương thu hút đầu tư bằng mọi giá mà “quên” đi yếu tố môi trường đã phải trả giá đắt về sau. Ở tỉnh ta, cho đến nay vấn đề môi trường chưa phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường đến mức nguy ngập như các nơi khác nhưng đây đó cũng đã bộc lộ những tác động tiêu cực của nó ở một số khu, cụm công nghiệp và một vài dự án đầu tư. Ý thức được hệ lụy này, gần đây tỉnh chủ trương không thu hút các dự án công nghiệp dệt nhuộm, cũng là lĩnh vực có phát thải nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Quyết không “đánh cược” với môi trường trong thu hút đầu tư phát triển sẽ không phải trả giá đắt của sự ô nhiễm môi trường là thông điệp của sự phát triển bền vững.
HẢI ÐĂNG