Các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa ở Phù Cát gây ô nhiễm môi trường: Cần sớm di dời ra khỏi khu dân cư
Gần 100 hộ dân ở 2 thôn Kiều An, Tân Hòa (xã Cát Tân) và 50 hộ dân xóm Thái, thuộc thôn Phong An (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đang sống trong cảnh ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trầm trọng từ các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa.
Sống chung với ô nhiễm
Cách đây chừng 3 năm, ở xóm Thái (thôn Phong An, xã Cát Trinh), hình thành “xóm” thu mua phế liệu, tái chế nhựa, với 7 hộ gia đình tham gia. Các cơ sở này tập trung dọc tuyến đường Bắc Nam và Đông Tây - vốn đông dân cư. Phế liệu thu mua, các hộ bỏ ngoài trời, thậm chí còn phơi lên nóc nhà. Như tại 2 cơ sở của bà Lê Thị Thu Hiền và bà Lê Thị Thanh Vân, đồ phế liệu chất thành từng đống lớn, chiếm cả hành lang tuyến đường Đông Tây, gây mất mỹ quan và ÔNMT.
Mỗi ngày, lượng phế liệu nhập về đây ước khoảng 30 tấn; được phân loại, đưa vào xưởng tái chế, rồi mới đưa đi tiêu thụ. Trong quá trình tẩy rửa các loại phế liệu như nhựa, ni lông, giấy vụn, sắt, thép, tủ lạnh, ô tô... các cơ sở xả nước thải trực tiếp ra ruộng, vào vườn nhà dân.
Các cơ sở thu mua phế liệu tại xóm Thái, thôn Phong An, xã Cát Trinh, lấn chiếm lòng đường làm nơi tập kết phế liệu.
Một người dân có nhà ở gần cơ sở của bà Lê Thị Thu Hiền bức xúc: “Phế liệu họ để ngoài lề đường. Quá trình tái chế, nước bẩn xả bừa ra vườn, ra ruộng, vừa gây ÔNMT, vừa ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, ai mà chịu nổi! Trời mưa, nước rỉ ra, bốc mùi rất khó chịu. Trời nắng, chỉ chút bất cẩn cũng có thể phát hỏa. Qua các đợt HĐND xã, huyện tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị xử lý, nhưng chưa thấy chuyển biến gì”.
Tương tự, tại 2 thôn Kiều An và Tân Hòa (xã Cát Tân) cũng đang tồn tại 23 cơ sở thu mua phế liệu, tái chế trong các khu dân cư, khiến các hộ sống lân cận bức xúc. Các cơ sở này đều không đăng ký kinh doanh, không có các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở này thải ra môi trường một lượng lớn khói thải độc hại; cùng với đó là nước rửa phế liệu và tiếng ồn từ các máy xay nhựa. Đã vậy, sau khi lựa hết những phế liệu có thể tái chế, các cơ sở này thải một lượng lớn những thứ không tái chế được ra ngoài, trong đó nhiều nhất là các chai thuốc trừ sâu bằng nhựa, xốp mũ bảo hiểm.
Xử lý: Ngoài “tầm” địa phương
Ông Nguyễn Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho biết: “Xã đã nhiều lần lập tổ công tác đi kiểm tra các cơ sở gây ÔNMT ở xóm Thái; cũng như đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt, nhưng do thẩm quyền cấp xã có hạn nên việc xử lý chưa đủ răn đe”.
Chẳng hạn, năm 2015, UBND xã Cát Trinh xử phạt vi phạm hành chính (mức 1,75 triệu đồng/trường hợp) đối với 2 cơ sở xay xát nhựa, thu mua phế liệu của bà Lê Thị Thu Hiền và bà Lê Thị Thanh Vân vì hành vi không lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định; yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, động thái này cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”.
Còn ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, nhận xét: “Việc buộc các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa ở địa phương ngưng hoạt động hoặc chuyển đến địa điểm khác vượt quá thẩm quyền của xã. Do vậy, chúng tôi kiến nghị UBND huyện Phù Cát và ngành hữu quan hỗ trợ địa phương tìm giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhằm đảm bảo môi trường, tránh gây bức xúc kéo dài cho người dân”.
Ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát, cho hay: Để chấn chỉnh tình trạng trên, huyện đã có văn bản chỉ đạo 2 xã Cát Trinh và Cát Tân tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu vi phạm về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn. Vì vậy, trước mắt, UBND huyện Phù Cát yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì công tác giám sát, kiểm tra và xử phạt các cơ sở vi phạm; về lâu dài, huyện sẽ khảo sát, chọn địa điểm thích hợp để di dời toàn bộ các cơ sở làm nghề này trên địa bàn huyện và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
“Tháng 10 tới, huyện sẽ khảo sát và tìm quỹ đất, nhiều khả năng sẽ chọn địa điểm ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, làm nơi di dời” - ông Thượng cho biết thêm.
NHƠN HỘI