“Bình Định cho tôi nhiều ngọt ngào!”
Lê Hồng Phương, chàng trai khuyết tật 31 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, đã vượt qua hơn 200 năng khiếu ca hát, để là 1 trong 16 gương mặt vào chung kết Cuộc thi Thần tượng Bolero do Phòng trà Nghệ Sĩ tổ chức.
“Hơn 2 năm trước, tôi tham gia Đoàn nghệ thuật nhân đạo Cội Nguồn (một đoàn ca nhạc của người khuyết tật các tỉnh phía Bắc) và về đây biểu diễn. Đó là lần đầu tiên tôi đến Bình Định. Đã từng đi hát rong mưu sinh ở rất nhiều nơi và nhận không ít cực nhọc, cay đắng, nhưng ở Bình Định, tôi cảm nhận đây là nơi bình yên, bà con Bình Định thương cảm, tôn trọng, đối xử tốt với người khuyết tật. Do vậy vợ chồng tôi (vợ anh Phương quê ở Hải Phòng, cũng kém may mắn như chồng vì khiếm thị và mắc bệnh bạch tạng) chọn Bình Định là bến đỗ, mưu sinh và định cư lâu dài”, anh Lê Hồng Phương mở đầu câu chuyện.
Lê Hồng Phương trên sân khấu Phòng trà Nghệ Sĩ.
Vợ chồng anh Phương trọ ở Diêu Trì (Tuy Phước), cung đường mưu sinh của anh là ngày ngày từ nơi ở vào Quy Nhơn, ghé vào các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu bình dân, mưu sinh bằng nghề hát rong và bán kẹo singum, bông ráy tai…
Anh Phương kể, mới chỉ hơn 2 năm “làm dân trên đất Bình Định” song vùng đất này đã trở nên thân thuộc, bình yên như chính quê nhà mình. Tuy mỗi ngày mưu sinh bằng giọng hát, song việc được đứng trên một sân khấu ca nhạc như Cuộc thi Thần tượng Bolero là điều anh chưa từng mơ tới.
Lần đó, vợ chồng ca sĩ Kiều Lệ đi ăn tại một nhà hàng, khi nghe giọng hát rong này, trong đầu cô ca sĩ cười thầm “anh chàng ca sĩ kẹo kéo này hát nhép quá tài”. Đến khi nhìn thấy anh hát, ca sĩ Kiều Lệ giật mình bất ngờ trước một giọng hát hay, truyền cảm như vậy. “Phải mời và động viên nhiều lần anh mới chịu tham gia, Lê Hồng Phương là người rất tự trọng và biết nghĩ cho người khác, anh cứ ngại khiếm khuyết cơ thể ở anh sẽ ảnh hưởng đến Cuộc thi. Tôi phải thuyết phục rằng, đây là sân chơi cho tất cả mọi người, thi hát chứ có phải thi người đẹp đâu, ai cũng đều có quyền như nhau và Ban Tổ chức cũng sẽ không ưu tiên anh mà chỉ căn cứ vào chuyên môn là giọng hát. Là ca sĩ ngoại tỉnh, chẳng có bạn bè, thân thích để cổ vũ và bình chọn như nhiều thí sinh khác, nhưng điều thú vị là qua suốt mấy vòng thi, không chỉ nhận số điểm cao từ giám khảo mà thí sinh này còn nhận được số phiếu bình chọn gần như cao nhất từ khán giả”, ca sĩ Kiều Lệ cho biết.
Hiện ngày ngày, Lê Hồng Phương cùng người vợ của mình chăm chỉ mưu sinh bằng tiếng hát. Thỉnh thoảng anh ghé vào Phòng trà Nghệ Sĩ, để ráp nhạc, tập tành cho buổi biểu diễn quan trọng nhất của đời mình tại đêm chung kết (30.9.2016). Lâu nay chỉ hát trên nhạc nền điện tử, nay hát với dàn nhạc, dẫu vào đến chung kết, anh vẫn chưa hết lúng túng.
Dự định của anh là, từ cơ duyên gặp gỡ với ca sĩ Kiều Lệ, anh muốn học hát một số bài hát về Bình Định phù hợp với chất giọng của mình, như một cách nói lời cảm ơn. “Bình Định cho tôi quá nhiều điều ngọt ngào”, anh Phương xúc động nói.
SAO LY
Trước đây Phương cao 1m71, nặng trên 70kg, là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt nam. Phương bị tai nạn khi nhảy qua hố chống tăng nên mới bị tổn thương cột sống như vậy. Em đã có một tuổi trẻ hào hùng.