Phù Cát: Nhiều cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp “chui”
Hiện nay, ngoài 10 đơn vị, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp, trên địa bàn huyện Phù Cát còn có 16 hộ gia đình sản xuất cây giống “ngoài luồng”. Mỗi năm, các cơ sở này tung ra thị trường hàng triệu cây giống kém chất lượng.
Thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (Phù Cát) có nhiều cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp “chui”.
Chưa xử phạt nên chưa đủ sức răn đe (!)
Các cơ sở này tập trung ở 2 xã Cát Trinh (13 hộ) và Cát Hanh (3 hộ), sản xuất kinh doanh cây bạch đàn, keo lai bằng hạt giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là 2 loại giống không được Bộ NN&PTNT cho phép kinh doanh vì thụ phấn đồng huyết dẫn đến cây thế hệ sau sẽ bị biến dị, kém chất lượng, chậm phát triển. Trên quãng đường chừng 1 km dọc QL1 đoạn qua thôn Phú Kim (Cát Trinh) có tới 13 cơ sở “chui” như vậy. Đáng nói hơn, dù tồn tại đã 4 năm nay nhưng các cơ sở này vẫn chưa hề bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, nói: “Mỗi khi vào vụ trồng rừng hàng năm, địa phương phối hợp với ngành chức năng của huyện đi kiểm tra, nhưng do thấy các hộ này kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất 150 - 200 ngàn cây giống/năm/hộ nên chỉ nhắc nhở, yêu cầu dừng sản xuất. Chắc do chưa áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe họ (!)”.
Còn theo ông Võ Đình Trí, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, sở dĩ việc quản lý về sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp ở địa phương còn nhiều khó khăn là bởi phong trào trồng rừng kinh tế ở địa phương đang phát triển rất mạnh, nhưng cây giống hiện cung không đủ cầu. Đây chính là điều kiện để những hộ ươm trồng, kinh doanh cây giống sản xuất ẩu hoặc trà trộn giống kém chất lượng vào để bán cho bà con”.
Tránh mua nhầm giống “dỏm”
Cũng theo Phòng NN&PTNT huyện, khó khăn nhất hiện nay là do cây giống chính thống và cây giống kém chất lượng không khác nhau nên người mua khó phân biệt. Nhưng nếu mua phải giống dỏm, người trồng rừng không chỉ mất nhiều chi phí đầu tư hơn mà phải chờ 9-10 năm sau mới thu hoạch được, trong khi trồng cây giống chuẩn chỉ cần đến 4-5 năm. Vì vậy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Bá Nghị đã khuyến cáo: “Khi mua cây giống, bà con nên tìm hiểu kỹ xem cơ sở sản xuất có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước hay không. Tốt nhất, nên đến các cơ sở có uy tín như các trung tâm nghiên cứu, đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng có uy tín của trung ương và địa phương để tránh tiền mất tật mang”.
Về giải pháp ngăn chặn cây giống kém chất lượng trong thời gian tới, ông Võ Đình Trí cho biết: Ngoài tăng cường kiểm tra, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên đưa tin trên các đài truyền thanh cơ sở các hộ sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp chất lượng không đảm bảo, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cây giống kém chất lượng.
Ngoài ra, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc cây giống lâm nghiệp, từ nay đến cuối vụ trồng rừng, lực lượng thanh tra, pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp tại các vườn ươm trên địa bàn huyện Phù Cát; xử lý kịp thời các đơn vị có hành vi vi phạm.
10 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi tắt là CS) cây giống lâm nghiệp của huyện Phù Cát được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, gồm: Công ty TNHH Kết nối B.2.C, Công ty TNHH Lâm nghiệp Miền Trung, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ðức Nhật, Công ty TNHH Anh Vũ, Công ty TNHH tư vấn Nông lâm AHB Miền Trung, CS Dịch vụ giống cây trồng Năm Chung, CS Lâm Tân, CS Năm Hương, CS Ngọc Thuận, CS Lê Thị Thu Hà.
TRỌNG LỢI