Giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật và phát triển khoa học công nghệ
(BĐ) - Sáng 14.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định (ĐBQH) do bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN). Cùng tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành trong tỉnh (ảnh).
Ông Huỳnh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong 10 năm qua, việc triển khai nghiên cứu và áp dụng các thành tựu KH&CN vào phục vụ sản xuất và đời sống thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả của các đề tài, dự án, nhằm phục vụ đắc lực chương trình phát triển KT-XH của địa phương cũng như các vùng lân cận.
Việc cung ứng cây giống (cây trồng rừng, cây ăn quả, cây lấy hạt…), chế phẩm sinh học (phòng ngừa bệnh trên cây trồng, khử mùi, phân giải hữu cơ…), giống nấm các loại đã thu hút người dân trong tỉnh sử dụng. Qua đó, cung cấp thêm nhiều giống cây trồng mới thuần chủng, có chất lượng cao, không sâu bệnh, góp phần tăng năng suất rừng trồng thương mại từ 40-50 m3/ha lên 120-150 m3/ha, gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích trồng trọt. Các sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng trong sản xuất và đời sống đã giúp người dân phát triển các mô hình cây trồng và nấm ăn, nấm dược liệu, tạo việc làm mới, tăng giá trị thu nhập cho người dân. Việc triển khai chương trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học từng bước được triển khai với nhiều mô hình thiết thực…
Trong giai đoạn 2005-2010, Trung tâm đã triển khai thực hiện 15 đề tài, dự án nghiên cứu các cấp, chuyển giao và đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Việc xã hội hóa thực hiện các đề tài nghiên cứu được đẩy mạnh, cụ thể trong hơn 40 tỉ đồng được đầu tư cho các dự án đề tài nghiên cứu có hơn 21 tỉ đồng huy động từ các nguồn bên ngoài, chiếm hơn 55% so với ngân sách được phân bổ từ nguồn Trung ương và địa phương. Bên cạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu theo “đặt hàng” của nhà nước để phục vụ đời sống, sản xuất trong tỉnh, Trung tâm đã nghiên cứu theo “đơn hàng” của các đơn vị bên ngoài và “thương mại hóa” thành công nhiều sản phẩm nghiên cứu…
Tuy nhiên, phân tích của các địa biểu tại buổi giám sát cho thấy, hoạt động nghiên cứu KH&CN do Trung tâm thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế. Đến nay, hầu hết đề tài nghiên cứu đều xuất phát từ nhu cầu của sản xuất và đời sống. Kết quả “thương mại hóa” các sản phẩm nghiên cứu KH&CN, đưa vào áp dụng đại trà để đem lại hiệu quả kinh tế trên quy mô lớn hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ nhân lực và đầu tư tiềm lực cho Trung tâm còn nhiều hạn chế…
Trong lộ trình dần chuyển sang tự chủ tài chính giai đoạn 2016-2020, Trung tâm phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu - ứng dụng để sản xuất ra các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường; tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất đã có, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập trung vào công tác chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN mới vào sản xuất đời sống. Phát triển mạnh nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật…
Đoàn giám sát đã ghi nhận các kiến nghị của Trung tâm về việc tăng cường kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học; đổi mới quy định về quản lý nhất là quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao, triển khai công nghệ mới. Quy định cụ thể, rõ ràng trong việc giao kinh phí hoạt động sự nghiệp khoa học, quy định về chức năng, nhiệm vụ chuyển giao kết quả các đề tài nghiên cứu ứng dụng.
THU HIỀN