Hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét
Ngành Y tế tỉnh vừa công bố định hướng lộ trình phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2030 tỉnh Bình Ðịnh. Ðây được coi là “kim chỉ nam” để hướng đến mục tiêu loại trừ căn bệnh nguy hiểm này ra khỏi đời sống cộng đồng.
Xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét tại Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận cho biết, theo lộ trình đề ra, giai đoạn 2016 - 2020 các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) giảm tỉ lệ ký sinh trùng sốt rét 50% so với mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2021 - 2025 giảm 50% so với giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2028, giảm 30% so với năm 2025; đến năm 2030, 100% số xã hoàn thành loại trừ sốt rét, chuyển sang giai đoạn dự phòng sốt rét quay trở lại.
* Được biết, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn đến 18 xã trọng điểm sốt rét. Lộ trình loại trừ sốt rét cụ thể ở các địa phương này như thế nào, thưa ông?
- Một trong những trở ngại lớn của quá trình loại trừ sốt rét ở tỉnh ta là còn tới 18 xã trọng điểm. Đó là các xã: An Hòa, An Quang, An Trung, An Vinh, An Toàn (huyện An Lão); Ân Hảo Tây, Ân Tường Đông, Đắk Mang (huyện Hoài Ân); Vĩnh Thuận, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) và Vĩnh An (huyện Tây Sơn); Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).
Trong số này, đáng lo nhất là địa bàn huyện Vân Canh, khi có tới 5 xã, thị trấn có tỉ lệ ký sinh trùng chung/1.000 dân số trung bình giai đoạn 2011 - 2015 trên mức 4,00. Cao nhất là xã Canh Thuận (tỉ lệ 7,13), tiếp đó là Canh Liên (4,91), Canh Hòa (4,65), thị trấn Vân Canh (4,54) và Canh Hiệp (4,19).
Theo lộ trình, đến năm 2020, chỉ còn 9/18 xã có tỉ lệ ký sinh trùng chung/1.000 dân số ở mức trên 1,00. Đến năm 2025, tỉ lệ này ở tất cả 18 xã sẽ xuống dưới mức 1,00 - thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét. Tất nhiên cùng với đó, là việc duy trì không để phát sinh điểm sốt rét mới.
* Để đảm bảo thành công của chiến lược loại trừ sốt rét, theo ông, cần những điều kiện gì?
- Đối với Trung ương, cần quan tâm đầu tư về kinh phí, chuyên môn kỹ thuật cho các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét. Đối với UBND tỉnh, rất cần sự quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành để có sự tham gia tích cực, phối hợp hiệu quả trong chiến lược loại trừ sốt rét; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống và loại trừ sốt rét.
Trong khi đó, Sở Y tế cần củng cố, kiện toàn, đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác sốt rét ở các tuyến; duy trì và đảm bảo nguồn kinh phí chi cho các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét như mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc sốt rét, truyền thông giáo dục sức khỏe.
Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh phí, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc sốt rét… được cấp. Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở các tuyến; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống giám sát, quản lý ca bệnh, thông tin báo cáo và hệ thống xét nghiệm, kính hiển vi…
Bên cạnh đó, tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền tăng cường chỉ đạo đầu tư về kinh phí và các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét theo tiến độ, lộ trình đã xây dựng; tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông phòng chống và loại trừ sốt rét trong cộng đồng.
* Lâu nay, kinh phí và nhân lực vẫn là trở ngại chính trong công tác phòng chống sốt rét. Ông có thể cho biết tình hình cụ thể về 2 nút thắt này?
- Vẫn rất khó khăn. Tính đến thời điểm này, kinh phí của Trung ương cho chương trình phòng chống sốt rét vẫn chưa có, trong khi nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cũng bị cắt giảm đáng kể. Chúng tôi chỉ có hơn 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và hơn 1 tỉ đồng từ dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin. Trong khi đó, ở tất cả các tuyến đều diễn ra tình trạng thiếu nhân lực làm công tác phòng chống sốt rét. 14 năm nay Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh không tuyển được bác sĩ mới. Ở tuyến huyện, xã, nhân lực thay đổi thường xuyên, không ít người chẳng mặn mà với công việc.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)