Khi “thánh đường” rộng cửa…
Nhà hát Lớn Hà Nội là một sân khấu sang trọng, tọa lạc ở vị trí đẹp, kiến trúc đẹp. Ðược biểu diễn ở đây là mơ ước, vinh dự của mọi nghệ sĩ. Tuy nhiên, do chi phí thuê địa điểm, tổ chức biểu diễn ở đây rất cao nên không phải đoàn nghệ thuật nào cũng có cơ hội biểu diễn ở đây. Và với các đoàn nghệ thuật truyền thống vốn đang ngày càng giảm sức hút với khán giả, cơ hội được biểu diễn ở “thánh đường” nghệ thuật này phải nói là rất hiếm. Quyết định của Bộ VH-TT&DL cho phép 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ được vào biểu diễn luân phiên theo lịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ tháng 9.2016 được xem là sự kiện mang tính đột phá của ngành Văn hóa nước nhà.
Quyết định trên biến Nhà hát Lớn Hà Nội thành trung tâm nghệ thuật chất lượng và thường xuyên của thủ đô. Khi được tạo điều kiện, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống trút đi gánh nặng về chi phí, địa điểm biểu diễn. Có thể gọi quyết định kể trên là cú hích bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, từ chủ trương này, công suất phục vụ cũng như hiệu quả hoạt động của Nhà hát Lớn Hà Nội cũng được phát huy; trả chức năng phục vụ biểu diễn nghệ thuật lại cho Nhà hát thay cho kinh doanh cho thuê hội trường như thời gian qua.
Ðược biết, từ tháng 9.2016 - khi quyết định có hiệu lực - đến cuối năm sẽ có 17 chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu được biểu diễn. Dự kiến, trung bình mỗi tháng có khoảng 8 buổi biểu diễn vào cuối tuần; năm 2017 cũng đã chốt được gần 100 buổi biểu diễn.
Chủ trương này của Bộ VH-TT&DL, xét ở một khía cạnh khác, thiết nghĩ, điều quan trọng không phải là biểu diễn ở đâu mà vấn đề là thu hút được bao nhiêu khán giả đến xem?
Một vấn đề khác, từ chủ trương của Bộ với 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ, các đoàn nghệ thuật thuộc các địa phương cũng có quyền hy vọng đến một lúc nào đó phạm vi chủ trương này sẽ mở rộng và áp dụng cho cả các đơn vị nghệ thuật ngoài Bộ. Vì xét đến cùng, quan trọng là ở vấn đề chuyên môn, là “thương hiệu nghệ thuật” của mỗi đơn vị, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm để được chọn mang đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn, chứ không phải ở chuyện đơn vị đó thuộc Trung ương hay địa phương.
Nếu điều này được tính đến, 2 đoàn nghệ thuật truyền thống của Bình Ðịnh có thể tràn trề hy vọng bởi bề dày thành tích nghệ thuật đã được khẳng định qua hành trình dài.
KHẢI THƯ