Xây kênh dẫn nước bít đường vận chuyển máy móc, nông sản: Cần sớm kiểm tra, giải quyết
Gần 2 năm qua, kể từ khi kênh nhánh dẫn nước Văn Phong hoàn thành- các hộ dân sản xuất lúa tại hai cánh đồng “trong bờ vùng” và “ngoài bờ vùng” thuộc đội 11, thôn Bỉnh Ðức, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) phải dùng sức người để vận chuyển các loại máy nông cụ và nông sản. Bởi vì kênh dẫn nước đã bít đường vận chuyển máy móc, nông sản.
Kênh nhánh dẫn nước Văn Phong ở đội 11 qua cánh đồng “trong bờ vùng” và “ngoài bờ vùng” có độ dốc lớn, gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển máy móc, nông sản của bà con.
Kênh dẫn nước bít đường vận chuyển
Gửi đơn tới Tòa soạn Báo Bình Định, gần 20 hộ dân đội 11, thôn Bỉnh Đức phản ánh: Từ năm 2013 trở về trước, tại đội 11, có 2 cánh đồng lúa (khoảng 30 ha) có tục danh “trong bờ vùng” và “ngoài bờ vùng” tuy cách nhau một con đường đất và mương dẫn nước nhưng bằng phẳng với nhau. Do đó, các phương tiện cơ giới nông nghiệp qua lại phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản đều thuận lợi. Nhưng, kể từ cuối năm 2013- khi kênh nhánh dẫn nước Văn Phong hoàn thành xây cao hơn nhiều so với mặt ruộng- vô hình trung đã tạo một “bờ thành” ở giữa ngăn cách hai cánh đồng với nhau, khiến việc đi lại, vận chuyển máy móc phục vụ cho sản xuất của người dân gặp nhiều trắc trở. Ông Lê Văn Phong, ở đội 11, thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chủ yếu dùng sức người để vận chuyển máy móc và nông sản. Cực lắm!”.
Ông Phong dẫn chứng: Tôi có 1,5 sào lúa (gần 750m2) tại cánh đồng “trong bờ vùng”. Trước, vào mỗi vụ sản xuất hoặc thu hoạch chỉ cần thuê máy cày vào làm đất, rồi mình tôi kéo băng, xuống giống là xong; thì nay, muốn đưa máy cày đến ruộng, phải chạy tới lui nhờ đủ người khiêng máy qua con kênh này. Vào mùa thu hoạch, càng khốn khổ hơn nữa. Bởi máy cắt, máy gặt đập liên hợp không thể chạy thẳng vào ruộng nên phải thuê người cắt thủ công và gánh lúa qua bờ kênh, sau đó mới thuê máy phun tới tuốt lúa. Tính ra, chi phí cao gấp hai lần. Còn nếu khiêng được máy cắt, máy phun qua được kênh để tuốt, thì công chuyển lúa về nhà cũng “ốm đòn”. Đằng nào cũng bất tiện, tốn công, tốn tiền!
Cần sớm khắc phục
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ánh Sáng, Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, cho biết: “Trước bức xúc của bà con, xã đã tổ chức họp dân, ghi nhận các ý kiến và tìm cách giải quyết để việc sản xuất được thuận lợi hơn. Trước mắt, xã sẽ làm tờ trình gửi lên UBND huyện và ngành chức năng có liên quan để xin ý kiến xử lý. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian nghiên cứu, tìm kinh phí để xây dựng thêm một số hạng mục, thậm chí cầu dẫn giữa hai cánh đồng nếu xét thấy cần thiết”.
Với tư cách là đơn vị chủ đầu tư công trình, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hệ thống kênh tưới Văn Phong, lý giải: “Trước khi triển khai công trình này, đơn vị đã trao đổi với chính quyền địa phương về vị trí đặt cầu, đặt ra làm sao. Địa phương cũng đã thống nhất phương án xây dựng. Hiện nay, hệ thống kênh tưới Văn Phong (giai đoạn 1) trên địa bàn huyện Tây Sơn, trong đó có xã Tây Vinh, chúng tôi đã bàn giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định từ năm 2014”. Ông Thi nói thêm: “Bản thân tôi hơi bất ngờ khi nghe được việc này. Nhưng giả sử, nếu đúng sự thật thì đơn vị cũng không giải quyết được gì vì đã bàn giao trách nhiệm về chính quyền địa phương và Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định rồi. Toàn bộ dự án này đã kết thúc và chuyển sang giai đoạn quyết toán, hạch toán”.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định Nguyễn Trọng Phủ cho biết, đến nay vẫn chưa nghe địa phương báo cáo về việc kênh mương bít đường vận chuyển. Tuy nhiên, ông đã gọi điện trực tiếp yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi V kiểm tra, báo cáo lại cho Công ty để có hướng xử lý kịp thời. “Nếu vấn đề đúng như bà con đội 11, thôn Bỉnh Đức phản ánh, kiến nghị, Công ty sẽ sớm có hướng giải quyết, có thể xây dựng thêm cầu dẫn. Trường hợp kinh phí vượt quá khả năng của Công ty, chúng tôi sẽ có tờ trình gửi Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để xin kinh phí hỗ trợ. Quan điểm của chúng tôi là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sản xuất và đi lại”, ông nói.
Nhơn hội