Rối... đến bao giờ?
Đó là câu hỏi mà có lẽ là chung của cả xã hội trước những thay đổi trong chuyện học và thi cử ở nước ta.
Bước vào năm học mới, thông điệp mà ngành GD - ĐT đưa ra là đổi mới theo hướng nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn đã được dư luận xã hội tán đồng. Đặc biệt là việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ, hướng về chủ thể chính là thầy và trò đã được ghi nhận như một sự thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, niềm vui cũng như nỗi mừng và những khấp khởi của hy vọng cũng chỉ như đốm lửa vừa nhen lên đã lụi dần. Ngay trong tuần thứ hai của năm học mới, ngay sau khi được Bộ GD - ĐT công bố, Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017 với những thay đổi về thời gian thi, cách thi, số môn thi và bài thi…, lập tức khiến dư luận…nổi sóng. Và tiếc thay, làn sóng dư luận dấy lên lại chính là sự bất an với những băn khoăn, lo lắng của cả các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ cũng như đông đảo học sinh.
Mặc dù lãnh đạo Bộ GD - ĐT đã trấn an dư luận rằng các thí sinh hãy yên tâm bởi đây chỉ là những thay đổi mang tính chất kỹ thuật để kỳ thi nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn cho thí sinh chứ không có sự thay đổi lớn nào cả, nhưng sự tiếp nhận và phản ứng của dư luận lại không như vậy. Trên các phương tiện truyền thông đã có nhiều luồng dư luận trái chiều nhau (theo hướng ủng hộ thì ít mà phản ứng thì nhiều) của các tổ chức, các hiệp hội và cả “người trong cuộc” là giáo viên và học sinh.
Bất cập đầu tiên mà ai cũng thấy rõ của bản dự thảo là thời hiệu thi hành gấp gáp của nó. Nếu như được thông qua thì dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017 chỉ còn 9 tháng nữa đưa vào áp dụng trong khi đến giờ này, các em học sinh vẫn chưa biết cấu trúc đề thi thay đổi ra sao, phải học trọng tâm những phần nào, còn các thầy cô giáo cũng không kịp thời gian để chuẩn bị cho học sinh làm quen với các môn thi từ tự luận chuyển sang trắc nghiệm.
Bên cạnh đó là một loạt các vấn đề chưa được làm sáng tỏ khác, như lâu nay môn Toán ít khi thi trắc nghiệm mà thường chỉ thi tự luận, nay chuyển sang thi trắc nghiệm ngay lập tức thì có nên không; bao giờ thì Bộ công bố đề thi minh họa để các trường biết và định hướng trong việc ôn tập cho học sinh, chất lượng đề thi liệu có bảo đảm cho các thí sinh phát huy được tư duy và sự logic….
Có thể nói, sự thiếu ổn định trong phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm qua và Dự thảo phương án năm 2017 cho thấy sự lúng túng, bị động trong tầm nhìn chiến lược của lĩnh vực được coi là “quốc sách hàng đầu” này. Đến khi nào việc học và thi mới hết rối vẫn là câu hỏi lớn mà Bộ GD-ĐT vẫn còn nợ câu trả lời thỏa đáng.
H.Đ