Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP: Tín hiệu vui cho “phái yếu”
Ung thư cổ tử cung (CTC) là một bệnh lý rất nguy hiểm ở nữ giới. Bệnh nhân thường phát hiện ung thư CTC ở giai đoạn rất muộn, trong khi bệnh có thể phát hiện sớm nhờ xét nghiệm PAP.
Ung thư CTC là bệnh lý trầm trọng gây tổn thương ác tính tiến triển tại CTC, với rất nhiều biểu hiện như chồi, sùi, loét dễ chảy máu, tiết dịch hôi, ra máu bất thường… Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời đúng phương pháp, có thể gây tử vong.
Ung thư CTC thường mắc phải vào giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời, khi người bệnh ở độ tuổi 35 - 40. Bệnh không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người bệnh, gia đình và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, đây không phải là một căn bệnh vô phương cứu chữa, ngược lại nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh sẽ được chữa khỏi.
Kỹ thuật viên Võ Thị Lệ Thanh nhuộm mẫu bệnh phẩm trong quy trình xét nghiệm PAP.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cách phòng bệnh ung thư CTC lý tưởng nhất là khám phụ khoa thực hiện xét nghiệm PAP định kỳ, đồng thời tiêm vắc-xin ngừa HPV. Xét nghiệm PAP (phết tế bào CTC, tiếng Anh gọi là PAP SMEAR) là phương pháp dự phòng rất hiệu quả, nếu tầm soát tốt bằng phương pháp này sẽ giảm được 90% tỉ lệ ung thư CTC (do phát hiện kịp thời tế bào biến đổi bất thường để điều trị không cho tiến triển thành tế bào ung thư). Trong khi đó, tiêm vắc-xin ngừa HPV sẽ loại trừ ít nhất 70% ung thư CTC do vi-rút HPV type nguy cơ cao 16, 18 gây ra.
Theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh Nguyễn Thị Bích, xét nghiệm PAP là một xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô CTC. Đây là xét nghiệm đơn giản, trả kết quả nhanh, thường được thực hiện ở các phòng khám phụ khoa, và là bước đầu tiên để tầm soát đồng thời cũng để chẩn đoán ung thư CTC.
“Được biết đến lần đầu tiên vào năm 1928 ở Hy Lạp, xét nghiệm này đã có nhiều cải tiến để tăng tính chính xác và hiệu quả, hiện được dùng rất rộng rãi để tầm soát ung thư CTC. Hiện tại, chúng tôi cũng đã áp dụng thêm phương pháp Liqui-Prep chất lượng cao, giúp tăng tỉ lệ phát hiện sớm bất thường và giảm tỉ lệ bỏ sót ca bệnh” - bác sĩ Bích cho biết.
Được triển khai tại Trung tâm CSSKSS tỉnh từ năm 2002, xét nghiệm PAP được ứng dụng phổ biến; đặc biệt là trong giai đoạn 2006-2010, mỗi năm thực hiện từ 6.000 đến hơn 8.000 ca, có năm phát hiện đến 51 trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh. Từ năm 2013, khi không còn nằm trong Chiến dịch CSSKSS, số ca xét nghiệm có chiều hướng giảm xuống. Năm 2015, trong số 2.381 ca thực hiện tại Trung tâm, có 26 trường hợp mắc bệnh.
“Số ca thực hiện tại Trung tâm có giảm một phần vì các phòng khám tư nhân cũng đã triển khai kỹ thuật này, với mức giá thấp hơn, chỉ 100 ngàn đồng/ca, trong khi giá ở cơ sở công lập đến 185 ngàn đồng. Nhiều nơi có xét nghiệm PAP sẽ giúp chị em có thêm sự lựa chọn, thuận lợi hơn khi muốn khám kết hợp nhiều mặt bệnh” - kỹ thuật viên Võ Thị Lệ Thanh, phụ trách phòng Xét nghiệm của Trung tâm CSSKSS tỉnh, cho hay.
Cả 2 trường hợp có chẩn đoán ung thư CTC sau xét nghiệm PAP tại Trung tâm CSSKSS tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016 là bà P.T.S (62 tuổi, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) và N.T.B (46 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Theo bác sĩ Bích, khám bằng mắt thường thì không thể phát hiện bất thường tế bào CTC giai đoạn sớm mà chỉ khi bị tổn thương nặng hoặc thậm chí ung thư rồi mới phát hiện được. Với xét nghiệm PAP có thể phát hiện bất thường tế bào CTC ở giai đoạn sớm, giúp điều trị ngăn ngừa tiến triển đến ung thư CTC.
“Trước thực trạng có nhiều người tự nhiên đi khám bệnh bỗng phát hiện ung thư CTC dù không hề có dấu hiệu báo trước, đã có nhiều người vì sợ mà đi khám, có nhiều người tự giác đi khám dự phòng bệnh” - bác sĩ Bích thông tin thêm.
NGUYỄN VĂN TRANG
* Nhà khoa học người Đức Haraldzur Hausen đã phát hiện thấy sự có mặt của HPV trong hơn 97% các ca ung thư CTC, âm hộ, âm đạo. Phát hiện của ông đã khẳng định thủ phạm chính gây ung thư CTC là do vi-rút HPV. Tại Việt Nam, ung thư CTC đứng thứ 2/10 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ (sau ung thư vú), với tỉ lệ mắc 16-20/100.000 dân. Mỗi ngày trung bình có 17 ca mắc mới được chẩn đoán và 9 ca tử vong do ung thư CTC.
* Khi đi khám phụ khoa để làm xét nghiệm PAP, khách hàng cần nhớ: không được giao hợp hoặc thụt rửa âm đạo trong vòng 24 giờ; không đặt thuốc âm đạo trong vòng 3-5 ngày; không thực hiện khi đang có kinh, sau nạo sinh thiết. Thời gian tầm soát định kỳ: tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục cần tầm soát trong 3 năm đầu, mỗi năm 1 lần; nếu âm tính những năm tiếp theo 3 năm 1 lần cho đến 55 tuổi; nếu vẫn âm tính 5 năm 1 lần cho đến 70 tuổi.