Trùng tu, tôn tạo di tích:
Còn nhiều khó khăn
Dù đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng công tác bảo tồn, trùng tu di tích ở Bình Ðịnh vẫn còn nhiều khó khăn. việc đầu tư cho các di tích chưa đồng bộ, tiến độ trùng tu còn chậm, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, chuyên sâu còn thiếu là những vấn đề nổi cộm.
Toàn tỉnh hiện có 104 di tích được xếp hạng (35 di tích cấp quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh) trong tổng số 231 di tích đã thống kê, bao gồm các loại hình: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Các di tích phân bố rải rác trên toàn tỉnh, hầu hết là di tích ngoài trời, trải qua thời gian, cùng nhiều tác động nên đã xuống cấp, nhiều di tích chỉ còn là… phế tích.
1. Từ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhiều di tích đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo như Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Bùi Thị Xuân, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, Nhà tù Phú Tài, Khu di tích Núi Bà, tường bao Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh (di tích Thành Hoàng Đế). Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm những chiến công của Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân dân tỉnh Bình Định, lập phác thảo mô hình Đền thờ Võ Văn Dũng, lăng Mai Xuân Thưởng; quy hoạch di tích chiến thắng Đồi 10, di tích Chiến thắng Núi Chéo, tháp Phú Lốc, tháp Thủ Thiện, Huyện đường Bình Khê, Vườn cam Nguyễn Huệ, vụ thảm sát Kim Tài. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều đã được xây dựng bia bảng.
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã quan tâm chủ động đầu tư kinh phí và huy động được nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vào việc tu bổ, tôn tạo di tích. Điển hình là huyện Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm tại di tích Hồ Đá Bàn, Chiến thắng Cầu Cương, Chiến thắng Đồi Miếu, Vụ thảm sát Cầu Bình Trị - Đập Cây Kê. Huyện Hoài Ân khôi phục Đình làng An Thường, xây dựng Văn chỉ Hoài Ân, Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, mở rộng và tu bổ, tôn tạo Đền thờ Tăng Bạt Hổ. Huyện Hoài Nhơn đầu tư xây dựng di tích Chiến thắng Chợ Cát, mở rộng diện tích Đền thờ Đào Duy Từ. Huyện Tuy Phước xây dựng Nhà lưu niệm Chi bộ Đề pô Diêu Trì, mở rộng khuôn viên Chùa Bà. TP Quy Nhơn quy hoạch tôn tạo Đình Cẩm Thượng, Chùa Ông Nhiêu… Một số di tích còn được các tổ chức, cá nhân tài trợ đúc tượng thờ, trang bị nội thất, đồ thờ tự.
2. Mặc dù đã có những nỗ lực, nhưng việc đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Ngoài số di tích đã được công nhận có số lượng lớn, hằng năm còn có thêm các di tích mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn hẹp.
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh, cho biết: “Chúng ta đã ưu tiên đầu tư cho các di tích có giá trị về kiến trúc đang bị xuống cấp, hư hỏng. Đồng thời, xây dựng hoàn chỉnh một số công trình di tích tiêu biểu để kết nối với các tuyến tham quan du lịch trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều di tích chưa được đầu tư, tôn tạo. Để có thêm những công trình mới, không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương và tỉnh, mà từng địa phương cần vận động nguồn xã hội hóa”.
Bên cạnh đó, có một thực tế đang diễn ra là tiến độ thực hiện các công trình trùng tu di tích còn chậm. Điều này do nhiều nguyên nhân như công trình mang tính đặc thù, phải thông qua nhiều hội đồng góp ý điều chỉnh, rồi thông qua nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương để thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt dự án. Với hầu hết các công trình tu bổ, phục hồi các kiến trúc đã xây dựng trước đây, khi khảo sát lập dự án phải nghiên cứu tư liệu lịch sử, một số công trình còn khai quật khảo cổ để tìm cứ liệu. Trong quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn chưa tính hết khối lượng hư hỏng bên trong một số công trình (đặc biệt là ở các tháp Chăm), dẫn đến khi thi công phát sinh khối lượng cần phục hồi, phải điều chỉnh bổ sung thiết kế, dự toán mất nhiều thời gian…
Một khó khăn khác là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên sâu để nghiên cứu, tham mưu cho Sở VH-TT&DL về công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn thiếu và yếu. Do đó, Sở VH-TT&DL vừa tăng cường thêm cán bộ và củng cố lại Ban Quản lí dự án xây dựng của Sở, để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ này.
“Từ 1.7.2013, Thông tư số 18/2012 của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích chính thức có hiệu lực thi hành. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý hoạt động tu bổ di tích, Sở VH-TT&DL đã rà soát lại điều kiện năng lực và hành nghề, đồng thời có thông báo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL cấp Giấy chứng nhận hành nghề (đối với tổ chức) và Chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân)”, ông Đặng Hữu Thọ cho biết thêm.
HOÀI THU