Kết quả thanh tra trồng mới 5 triệu ha rừng ở Vĩnh Thạnh:
Diện tích trồng mới chỉ đạt 60% kế hoạch
Ðây là kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác trồng, chăm sóc, giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ thuộc Chương trình 5 triệu ha rừng, giai đoạn từ năm 2007 đến 2010, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.
Một góc rừng phòng hộ Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 đến năm 2010, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh (gọi tắt là BQL) đã thực hiện dự án trên cơ sở tiếp nhận dự án từ Lâm trường Sông Kôn; đồng thời lập và triển khai các kế hoạch, công trình mới của dự án, bao gồm: trồng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên và hỗ trợ rừng trồng sản xuất.
Kết quả thanh tra thực tế của Thanh tra tỉnh mới đây cho thấy, trong thời gian trên, về công tác trồng mới rừng phòng hộ, BQL đã thực hiện được 14 công trình với tổng diện tích gần 450,5 ha (gồm gần 447 ha rừng trồng và 3,54 ha đường ranh cản lửa), đạt 60% so với kế hoạch đề ra. Trong diện tích trồng mới nói trên, có gần 252 ha do BQL làm chủ đầu tư, ký hợp đồng giao khoán hộ gia đình trồng và hưởng lợi theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và trên 195 ha được BQL giao khoán nhiệm vụ cho các tổ bảo vệ rừng.
Với kết quả trên, theo kết luận của Thanh tra tỉnh, BQL chưa thực hiện kỹ công tác khảo sát, thiết kế mới trồng rừng phòng hộ nên không trồng hết diện tích đất rừng theo thiết kế đã được phê duyệt. Điển hình, theo thiết kế, năm 2009, BQL sẽ trồng mới 127,6 ha rừng tại xã Vĩnh Kim nhưng thực tế chỉ trồng được 38,8 ha, đạt tỉ lệ trên 30%. Năm 2010, kế hoạch trồng mới là 82,64 ha tại xã Vĩnh Sơn nhưng thực tế chỉ trồng được gần 36 ha, đạt trên 43,3% kế hoạch.
Ngoài ra, cũng theo Thanh tra tỉnh, việc BQL triển khai ký hợp đồng giao khoán cho các hộ nhận khoán và các tổ quản lý rừng trước khi thiết kế, dự toán được Sở NN&PTNT phê duyệt là chưa đúng trình tự thủ tục về mặt thời gian. Chẳng hạn như ngày 1.7.2009, BQL ký hợp đồng giao khoán và trồng rừng phòng hộ với ông Đinh Sỹ (làng L6, Vĩnh Kim) nhưng đến ngày 24.8.2009 Sở NN&PTNT mới có quyết định (số 2077/QĐ-SNN) phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán trồng và chăm sóc rừng phòng hộ quy trình.
Đến cuối năm 2015, diện tích đất thuộc BQL quản lý bị người dân lấn chiếm, phát nương rẫy là 162,7 ha; trong đó, có trên 159 ha bị người dân địa phương lấn chiếm vào thời điểm trước năm 2007 (BQL nhận bàn giao diện tích này từ Lâm trường Sông Kôn); và 3,6 ha rừng phòng hộ bị người dân tỉnh Gia Lai phát làm nương rẫy trong các năm 2014-2015. BQL đã kiến nghị với UBND huyện Vĩnh Thạnh chủ trì, cùng với các chủ rừng khác báo cáo với UBND tỉnh có biện pháp giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm rừng, đồng thời xin chủ trương thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng Tây Nam Vĩnh Thạnh nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Với kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị, yêu cầu BQL kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những khuyết điểm, tồn tại nêu trên, nhằm chấn chỉnh và đưa công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn; tăng cường công tác khảo sát thiết kế trồng mới rừng phòng hộ sát với thực tế để khi thực hiện đảm bảo đúng thiết kế được duyệt; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, nhất là các hộ nhận khoán về chính sách trồng, quản lý và bảo vệ rừng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời hạn chế tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn huyện.
Ngày 9.9.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã ký Quyết định số 3206/QĐ-UBND xử lý kết luận thanh tra, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc kiến nghị kết luận của Thanh tra tỉnh.
NGUYỄN NAM