“Ngựa quen đường cũ” và bản án thiếu sự răn đe
Ngày 7.9 vừa qua, TAND TP Quy Nhơn đã gửi văn bản thông báo (lần thứ 2) đến TAND quận 5, TP Hồ Chí Minh, về việc không thể ra quyết định thi hành án đối với bị cáo Mã Thị Phượng (SN 1972, có hộ khẩu thường trú tại phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Bị cáo Phượng bị TAND quận 5 xét xử ngày 27.5.2016 và tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản. Theo bản án hình sự sơ thẩm này, Phượng phạm tội lần đầu, còn nuôi con nhỏ, nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng, không có tiền án tiền sự là tình tiết giảm nhẹ cho Phượng.
Sau khi tuyên án, TAND quận 5 gửi ủy thác thi hành án đối với bị cáo Phượng về TAND TP Quy Nhơn, vì bị cáo Phượng có hộ khẩu tại phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn. Tuy nhiên, theo TAND TP Quy Nhơn thì bị cáo Mã Thị Phượng không có nơi cư trú rõ ràng dù đã có hộ khẩu tại phường Lê Hồng Phong, mặt khác, cha và mẹ của bị cáo đều đã chết, nên ngày 13.7, TAND TP Quy Nhơn gửi văn bản thông báo về việc hoàn trả hồ sơ thi hành án phạt tù đối với bị cáo Phượng cho TAND quận 5. Đồng thời, TAND TP Quy Nhơn cũng gởi kèm tài liệu cho thấy, bị cáo Phượng đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản theo bản án số 98/2013/HSST ngày 22.7.2013 của TAND TP Quy Nhơn, hiện chưa được xóa án tích, và nêu quan điểm, việc TAND quận 5, TP Hồ Chí Minh cho bị cáo Phượng hưởng án treo trong trường hợp này là sai sót.
Sau khi nhận thông báo và các tài liệu của TAND TP Quy Nhơn, TAND quận 5, TP Hồ Chí Minh tiếp tục gởi công văn yêu cầu TAND TP Quy Nhơn cung cấp biên bản xác minh bị cáo Phượng không có nơi cư trú rõ ràng, kèm hồ sơ hoàn ủy thác thi hành án đúng quy định. TAND quận 5 cho rằng, trường hợp bị cáo Phượng chưa được xóa án tích nhưng lại hưởng án treo, không nơi ở nhất định, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cấp trên, khi nào bản án có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc hủy án thì bản án mới hết hiệu lực thi hành; hiện tại bản án vẫn có hiệu lực thi hành, đề nghị TAND TP Quy Nhơn tiếp tục thực hiện.
TAND TP Quy Nhơn một lần nữa gửi văn bản (ngày 7.9.2016) về việc không thể ra quyết định thi hành án trong trường hợp này, cùng biên bản xác minh của CA phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn về việc Mã Thị Phượng có hộ khẩu TP Quy Nhơn nhưng đã không có nơi cư trú nhất định, tháng 1.2016 bị cáo đã vào TP Hồ Chí Minh sống lang thang.
Tuy vậy, cũng chính trong thời điểm này, Phượng lại tiếp tục phạm tội và bị bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi móc túi. Và trước đó, Phượng cũng đã có 4 lần ra tòa về cùng một tội “trộm cắp tài sản”, trên địa bàn TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát.
Có thể thấy, bản án của TAND quận 5, TP Hồ Chí Minh không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo, việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo. Theo đó, chỉ xem xét cho người bị phạt tù được hưởng án treo khi có đầy đủ các điều kiện: Có nhân thân tốt, không vi phạm các điều mà pháp luật cấm, chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật; đã được xóa án tích; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng… Như vậy, trong trường hợp này, cần có hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo để răn đe bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
KIM CHI