Mô hình kết hợp tủ sách pháp luật - thư viện ở Nhơn Hưng:
Được nhiều người dân quan tâm
Khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Xác định như vậy nên thời gian qua, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) đã linh hoạt, đưa tủ sách pháp luật đơn điệu vào kết hợp với thư viện phường, tạo sự đa dạng, phong phú cho mô hình, thu hút nhiều người dân đến sinh hoạt.
Thường thì TSPL được đặt ngay tại phòng làm việc của công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn và vô hình chung đã hạn chế rất nhiều việc tiếp cận tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, bởi không gian chật hẹp, thiếu sự yên tĩnh, bất tiện cho việc ngồi đọc. Nắm bắt được những hạn chế này, nên từ năm 2008, phường Nhơn Hưng đã mạnh dạn tích hợp hai mô hình TSPL và thư viện phường thành một với tên gọi là thư viện sách, đặt tại Nhà văn hóa phường. Thư viện của phường Nhơn Hưng có đầy đủ phòng đọc, bàn ghế, người phục vụ, hướng dẫn độc giả chu đáo nên trở thành địa chỉ đáng tin cậy để người dân đến tìm hiểu, khai thác, nâng cao kiến thức, hiểu biết về mọi lĩnh vực nói chung và về pháp luật nói riêng. Chị Bùi Thị Thúy Ái, ở thôn Tiên Hòa, cho biết: “Nhà tôi có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Để trang bị kiến thức cho mình về dạy bảo con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình và nếu có dịp thì có thể chia sẻ cho chị em trong khu vực, nên mỗi tháng tôi đều đến đây để đọc sách, nhất là sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và một số vấn đề khác”.
Đến nay, thư viện phường Nhơn Hưng có gần 2.500 đầu sách với 17 danh mục, trong đó, có hơn 500 đầu sách pháp luật; ngoài ra còn có công báo, báo và tạp chí các loại. Phường đã bố trí một nhân viên để trực, quản lý thư viện và phục vụ bạn đọc từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ vào tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên, thư viện cũng có thể mở cửa vào buổi chiều khi bạn đọc có yêu cầu. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, nhân viên thư viện, cho biết: “Hàng ngày, có nhiều bà con đến đây để tìm đọc sách pháp luật, chủ yếu là hôn nhân gia đình và các vấn đề liên quan. Người thì đọc, tra cứu tại chỗ, người thì mượn đem về nhà. Việc mượn sách được ghi chép cẩn thận vào phiếu mượn, nên công tác quản lý cũng dễ dàng, thuận tiện, không bị mất sách”.
Thư viện không chỉ là kênh thông tin tham khảo pháp luật dành cho người dân trong địa phương mà còn là nơi để các cán bộ, thành viên hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương kịp thời bổ sung những kiến thức mới về pháp luật. Ông Nguyễn Hữu Phúc, hòa giải viên của phường, đã nhiều lần đến thư viện mượn sách pháp luật để đọc, chia sẻ: “Nhờ có tủ sách pháp luật nên lúc nào cần thì tôi đến mượn đọc, một phần để bổ sung kiến thức pháp luật cho bản thân, một phần để áp dụng khi tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn tại khu dân cư”.
Ông Trần Văn Tính, công chức tư pháp - hộ tịch phường Nhơn Hưng, khẳng định: “Hiệu quả của TSPL là kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tìm hiểu thông tin pháp luật của nhân dân. Việc bố trí, trang bị TSPL là rất quan trọng vì không chỉ góp phần xây dựng văn hóa đọc rộng rãi mà còn giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Có thể thấy, hình thức này không mới, song là sự kết hợp hợp lý, có thể tận dụng khai thác hết lợi thế của nó để phục vụ nhu cầu đọc sách cho người dân, đồng thời là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại địa phương”.
NHẬT LINH