Đứa cháu bất nhân
Mới đây, TAND tỉnh đã đưa vụ án Trần Tuấn Tú (23 tuổi, trú ở thôn 10, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) phạm tội giết người, cướp tài sản ra xét xử. Nạn nhân không ai khác chính là bà ngoại ruột của Tú, người đã cưu mang, nuôi dưỡng hắn từ khi còn ẵm ngửa.
Chuyện đau lòng xảy ra sau bữa cơm chiều (ngày 27.1.2013), bà ngoại nhờ Tú thay bóng đèn hỏng trong nhà bếp. Sau khi kiểm tra, Tú tháo bóng điện rồi ném ra ngoài sân với thái độ vô lễ nên bà ngoại trách mắng. Ấm ức vì bị bà la mắng, Tú lấy rựa dưới gầm giường chém túi bụi vào đầu, vai của người bà đã cưu mang, chăm bẵm mình cho đến khi nạn nhân ngã gục xuống đất. Sau khi gây án, hắn lục túi áo bà ngoại, lấy 100 ngàn đồng và chiếc điện thoại di động rồi lạnh lùng bỏ đi.
Trước HĐXX, Tú khai nhận khá rành rọt và lạnh lùng hành vi tội ác của mình: “Lúc đó bị cáo không suy nghĩ gì hết, chỉ biết chém cho đến khi thấy bà ngoại ngã gục xuống đất, bị cáo mới dừng tay lại”. Đáng nói hơn, khi nghe vị đại diện VKS hỏi: “Trong thời gian trốn trên núi, bị cáo đã làm gì?”. Tú trả lời ráo hoảnh: “Sau khi ngủ một đêm trên núi, sáng hôm sau bị cáo xuống mua nước uống, cà phê, thuốc lá, bánh mì và rượu…”. “Giả sử một người nào đó không phải là bị cáo cũng giết chết bà ngoại mình như bị cáo, thì bị cáo mong muốn sẽ xử phạt người đó như thế nào?”, vị đại diện VKS hỏi. Tú lạnh lùng đáp: “Tử hình”.
Nghe đến đó, cha của Tú không kìm được, bật khóc. Vẫn biết con hư, con ngỗ ngược, nhưng cha mẹ của bị cáo không thể ngờ rằng, đứa con trai của mình lại có thể gây ra tội lỗi trời không dung đất không tha này. “Tôi không biết tại sao lại xảy ra chuyện đau lòng này, bà cháu sống từ trước đến giờ đâu có chuyện gì đâu. Và tôi càng không thể ngờ rằng, con trai tôi lại làm ra chuyện tày trời như thế. Con dại cái mang, tôi cũng không biết nói sao nữa…”, bà H., mẹ ruột Tú, bộc bạch trong nước mắt.
Cha mẹ Tú sống chung với bà ngoại Tú từ khi hắn còn chưa ra đời. Cách đây vài năm, tích góp được ít tiền, cha mẹ Tú cất nhà và ra riêng. Nhưng vì thương con gái út của mình hoàn cảnh còn khó khăn, nên bà ngoại Tú vẫn giữ nuôi 3 đứa cháu ngoại với số tiền ít ỏi được trợ cấp hàng tháng dành cho gia đình liệt sĩ. Tú cũng vì từ nhỏ sống với bà nên không muốn xa bà, cứ chạy qua chạy lại giữa nhà cha mẹ và bà ngoại.
Người nhà cho biết, bị cáo thường ngày ít nói. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Tú lên Đà Lạt làm thuê để kiếm sống. Được một thời gian, chán nản với những công việc tay chân vất vả vô định mà thu nhập chẳng được là bao, giữa tháng 1.2013, Tú trở về nhà và sống nương nhờ vào bà ngoại. Về nhà gần 2 tháng nhưng cũng chừng ấy thời gian Tú chỉ biết ăn, ngủ và ôm khư khư cái ti vi là niềm vui tuổi già của ngoại để xem phim, nghe nhạc chứ chẳng làm gì. Cuộc sống ăn không ngồi rồi dần khiến Tú cảm thấy chán nản nên hắn bắt đầu tập tành đốt thời gian vào những cuộc nhậu cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần ăn nhậu hết tiền, Tú lại về nhà vòi tiền bà ngoại. Thương cháu, bà cụ lại cho ít tiền bọc túi. Hôm xảy ra chuyện đau lòng trên, Tú cũng đã có một chầu “chén chú, chén anh” từ trưa đến chiều.
Sau khi tòa tuyên án tử hình dành cho Tú, cả gia đình 5 người vừa là thân nhân của bị cáo và cũng là thân nhân bị hại đều im lặng. Có lẽ họ chấp nhận cái án tử mà HĐXX tuyên, bởi dù đau lòng, dù thương con, thương cháu, thì chính họ cũng không thể tha thứ cho hành động dã man, mất nhân tính của Tú. Án đã tuyên, nhưng để lại nhiều suy ngẫm. Nếu trước đó, Tú có được sự gần gũi, sẻ chia và định hướng của người lớn, có lẽ hắn đã không sa vào lối sống không biết ngày mai và chắc chuyện đau lòng trên sẽ chẳng xảy ra.
KIỀU ANH