Phù điêu Brahma ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định: Được chọn đăng ký bảo vật quốc gia
Bức phù điêu thần Brahma - một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách điêu khắc Chămpa Vijaya - được tìm thấy tại tháp Dương Long năm 1985, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (ảnh), đã chính thức được tỉnh Bình Định chọn đăng ký bảo vật quốc gia.
Phù điêu có hình vòm cung nhọn, chạm khắc một mặt, hình tượng thể hiện là một vị thần được nhìn chính diện, trong tư thế đang múa, hai chân đứng chùn xuống; hai tay chính bắt quyết trước ngực.
Từ hai bắp tay, mỗi bên mọc ra thêm ba tay phụ cầm những vật biểu trưng khác nhau: Tay dưới cầm một con dao găm, tay giữa cầm binh khí, tay trên cầm hoa sen. Thần có ba đầu, quay ba hướng: Đầu chính nhìn thẳng, hai đầu hai bên nhỏ hơn mọc hai bên, mỗi đầu đều có khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị và đội mũ hình chóp.
Thần không mặc áo, cả phần thân trên hiện ra một cơ thể lực lưỡng, cường tráng; cổ đeo chiếc vòng trang sức lớn hai lớp che kín phần ngực, các vòng trang sức được tạo bởi những hoa văn xoắn móc khắc nổi; các bắp tay, cổ tay đều đeo vòng trang sức.
Trang phục duy nhất của thần là chiếc sampot - một tấm vải gần giống như váy được sử dụng như quần - được giữ lại ở bụng bằng một dây thắt rộng bản, trang trí hình cánh sen.
Brahma là thần sáng tạo - một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Đôi khi Brahma còn được xem là vị thần của sự thông thái. Vợ của Brahma là Sarsvati - nữ thần của học vấn và là thần đỡ đầu của nghệ thuật, khoa học và ngôn từ.
Nghệ thuật điêu khắc thường thể hiện Brahma ở dạng phù điêu, trong hình tượng vị thần có bốn đầu, tám cánh tay tỏa ra hai bên, mỗi bàn tay đều cầm những vật biểu trưng. Mỗi cái đầu của thần được xem như tượng trưng cho một pho kinh Veda. Vật cưỡi của thần là ngỗng Hamsa.
Phù điêu thần Brahma từng được tìm thấy ở nhiều nơi như Chánh Lộ (hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng, ký hiệu 19.1), Tháp Mắm (Bình Định, ký hiệu 19.8). Những phù điêu này, thần Brahma được thể hiện đứng trên con ngỗng Hamsa; hoặc bức phù điêu trang trí trên đài thờ Mỹ Sơn E1 thể hiện chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ - thần Brahma đản sanh.
So với những bức phù điêu nói trên, phù điêu thần Brahma hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hoàn chỉnh, uyển chuyển, sống động và lôi cuốn hơn. Phù điêu này là tác phẩm điêu khắc về thần Brahma nguyên vẹn nhất, lớn và đẹp nhất được tìm thấy cho đến nay. Có thể nói, đây là một hiện vật điêu khắc Chămpa độc bản, có giá trị mỹ thuật cao và rất hiếm.
Sau khi nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng thẩm định của Sở VH,TT&DL Bình Định, để được công nhận là bảo vật quốc gia, phù điêu thần Brahma sẽ tiếp tục trải qua quá trình thẩm định của Hội đồng giám định cổ vật (Bộ VH,TT&DL) và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Hiện vật nếu đạt yêu cầu sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong năm nay.
HỒ THÙY TRANG
* Phù điêu thần Brahma, ký hiệu BTBĐ 162/Đ.09, chất liệu sa thạch, còn nguyên vẹn; kích thước: cao 128cm; rộng 88cm; dày 23cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
* Năm 2004, bức phù điêu thần Brahma từng được Chính phủ Việt Nam đồng ý cho Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Việt Nam Quá khứ và Hiện tại”.