Báo động trẻ hóa bệnh nhân tim mạch
Bệnh lý tim mạch càng ngày càng nguy hiểm, là gánh nặng thật sự cho mỗi người bệnh, gia đình họ và cả cộng đồng. Đáng chú ý, người mắc bệnh có chiều hướng trẻ hóa, có những người mới chỉ đôi mươi.
Nhồi máu cơ tim khi... 21 tuổi
Mới 36 tuổi, nhưng anh Đ.V.N (ở huyện Tuy Phước) phải “sống chung” với bệnh tăng huyết áp từ 6 năm nay. Năm 2011, trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện, qua khâu đo huyết áp, anh được đề nghị ngồi “nghỉ mệt” một thời gian vì huyết áp cao. “Tuy nhiên, lần kiểm tra sau đó vẫn cho kết quả không đạt, tôi chính thức bị “loại” ra khỏi danh sách hiến máu tình nguyện của cơ quan” - anh N. kể lại.
Biết mình bị huyết áp cao, anh N. đã đi kiểm tra nhiều nơi, từ Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước, BVĐK tỉnh, đến các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh. Xét nhiệm mỡ trong máu, đường trong máu, chức năng thận, các hormone tuyến thượng thận, chụp động mạch thận… đều cho ra kết quả bình thường. Gánh nặng về tăng huyết áp vô căn gây áp lực lớn lên cuộc sống hàng ngày, có thời điểm tăng cao đến 160/90mmHg. Năm ngoái, có thời điểm, cứ cách 3-4 ngày, anh N. lại nhập viện điều trị. Tuần trước, anh phải xin nghỉ làm để chữa bệnh, khi huyết áp tăng dẫn đến nhịp tim nhanh, lên đến 113 lần/phút.
Bệnh nhân tăng huyết áp điều trị tại khoa Nội Tổng hợp, BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Song kỷ lục về độ trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch phải kể đến bệnh nhân Nguyễn Tấn Cung (21 tuổi, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ). Khoảng 10 giờ ngày 14.8, khi đang đánh cá, anh Cung đau ngực nhiều, vã mồ hôi. 15 giờ 30, anh được đưa vào khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh. Xét nghiệm cho thấy, men tim tăng hơn 10 lần so với ngưỡng bình thường; chụp động mạch vành qua màn hình tăng sáng (DSA) cho thấy có huyết khối gây tắc cụt hoàn toàn động mạch vành phải. Sau đó, ê-kip can thiệp mạch vành của khoa Nội Tim mạch, do Phó trưởng khoa Nguyễn Minh Toàn phụ trách, đã đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân. Bệnh nhân nhanh chóng hết đau ngực, mạch và huyết áp ổn định, đi lại nhẹ nhàng.
Theo bác sĩ Toàn, đây là bệnh nhân trẻ nhất bị nhồi máu cơ tim từng được khoa Nội Tim mạch tiếp nhận, điều trị. Trước đó, đã có 3 bệnh nhân dưới 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, được đặt stent tại khoa này.
Phải thay đổi thói quen xấu
Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Trước thực tế này, từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã quyết định chọn ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 9 là Ngày Tim mạch Thế giới. Ngày này hàng năm là dịp “xới” lên vấn đề phòng chống bệnh tim mạch, trong đó quan trọng nhất là thay đổi lối sống của con người thời hiện đại.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch là hút thuốc lá. Anh Đ.V.N cho biết, trước khi phát hiện bệnh tăng huyết áp, nhịp nhanh xoang, anh hút mỗi ngày 1 gói thuốc; giờ thì đã bỏ hẳn. Trong khi đó, với anh Nguyễn Tấn Cung, lênh đênh trên biển, “buồn và lạnh”, mỗi ngày anh cũng “hít” hơn 1 gói thuốc lá.
Mới đây, Hội Nội khoa tỉnh và khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh, đã phối hợp tổ chức khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý tim mạch tại 5 xã ở TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Kết quả khám đã phát hiện nhiều bệnh nhân tăng huyết áp, có dấu hiệu mắc bệnh tim mạch còn rất trẻ; có trường hợp mới 22 tuổi với lượng mỡ thừa trong cơ thể ở mức cao. “Nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không hề biết, có người biết nhưng không chú trọng điều trị. Cùng với đó, một số bệnh nhân suy tim, rối loạn nhịp tim được hướng dẫn đến BVĐK tỉnh để điều trị” - Chủ tịch Hội Nội khoa tỉnh Trần Văn Trung cho hay.
Trên thực tế, không ít người điều trị không đến nơi đến chốn hay bỏ ngang, khó đạt huyết áp mục tiêu, làm gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Trưởng khoa Nội Tổng hợp (BVĐK khu vực Bồng Sơn) Phan Long Nhơn đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá kết quả điều trị và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp có yếu tố nguy cơ tim mạch tại BVĐK khu vực Bồng Sơn”. Một trong những kết quả đáng chú ý của nghiên cứu này là sau 24 tháng điều trị, có đến 93,5% bệnh nhân bỏ uống thuốc 1 tháng.
“Bệnh nhân tăng huyết áp phải uống thuốc thường xuyên và khám bệnh định kỳ mới đạt huyết áp mục tiêu. Để giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, họ cần được điều trị và quản lý chặt chẽ” - bác sĩ Nhơn khuyến cáo.
N.V.TRANG
10 khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình và cộng đồng: 1- Chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế các chất béo bão hòa; không ăn mặn. 2- Tập thể dục thường xuyên, 30-60 phút/ngày. 3- Không hút các loại thuốc lá. 4- Duy trì cân nặng hợp lý. 5- Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). 6- Hạn chế uống rượu, bia. 7- Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc. 8- Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại nơi làm việc. 9- Tại công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh. 10- Tránh căng thẳng, lo âu quá mức.