Thêm hay… không thêm?
Mới đây, các phương tiện truyền thông đã đăng tải một bức thư của một học sinh gửi các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục về “nỗi khổ” của việc học thêm. Theo bức thư, áp lực học hành khiến các em phải “tối mày tối mặt” với việc học từ 6h sáng tới 11h đêm mỗi ngày. Hàng ngày, ngoài học ở trường, việc học thêm choán hết thời gian nên các em không có bất cứ hoạt động nào khác, cũng không được rèn luyện các kỹ năng khác. Thậm chí cứ mỗi buổi sáng là em lại cảm thấy lo sợ với việc học hơn là niềm vui tới trường.
Có lẽ câu chuyện về áp lực học hành liên quan đến chuyện “dạy thêm học thêm” của em học sinh viết lá thư này không phải là cá biệt. Và có thể nói, đó cũng chính là vấn đề mà các nhà quản lý giáo dục cũng như dư luận xã hội lâu nay bàn luận mãi mà vẫn chưa thấy hồi kết.
Có thể nói, từ xưa đến nay chuyện người đi học phải học thêm, người dạy phải dạy thêm ngoài chương trình chính khóa ở trường ở lớp không phải là chuyện bất thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chuyện “dạy thêm học thêm” lại được nhìn nhận như một vấn nạn, một hiện tượng tiêu cực của xã hội. Vì sao lại như vậy?
Trước đây, việc dạy thêm thường do nhà trường tổ chức bằng các lớp phụ đạo dành cho học sinh học yếu để có thể theo kịp chương trình chung; hoặc tổ chức bồi dưỡng cho học sinh giỏi để tham dự các kỳ thi học sinh giỏi các cấp với mong muốn đạt thành tích cao. Việc tổ chức “dạy thêm học thêm” nhằm bồi dưỡng cho học sinh kiến thức nâng cao nằm ngoài giáo trình, hoặc bồi dưỡng cho các học sinh yếu kiến thức bị hổng ngoài giờ lên lớp theo quy định là cần thiết, cần được phát huy bởi tính tích cực của nó.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây chuyện “dạy thêm học thêm” đã không còn là chuyện cá biệt, hạn chế ở một số đối tượng đặc biệt như đã nói ở trên mà đã trở thành đại trà cho mọi học sinh. Có thể nói gần như 100% học sinh phổ thông hiện nay ít nhiều gì cũng đều phải đi học thêm, thậm chí nhiều trường hợp thì giờ học thêm còn nhiều hơn chính khóa; còn số không đi học thêm thường rơi vào trường hợp cha mẹ quá khó khăn không có tiền trả phí nên đành phải chịu.
Lý giải về chuyện “dạy thêm học thêm” đại trà như hiện nay có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Có ý kiến cho rằng chương trình hiện nay được thiết kế quá nặng, thời gian trên lớp không đủ để giáo viên truyền tải cho học trò nên phải học thêm. Ý kiến khác thì cho rằng có tình trạng giáo viên lên lớp giảng bài qua loa để học sinh phải đi học thêm mới nắm được bài học, làm được bài tập. Và một loại học thêm nữa là học sinh chọn học thêm một số môn trọng điểm để chuẩn bị cho việc thi đại học đạt kết quả cao.
Dù có nhìn nhận dưới góc độ nào thì có thể thấy rằng “dạy thêm học thêm” vẫn là nhu cầu bình thường, chính đáng của xã hội nên cần phải được đáp ứng một cách phù hợp. Nhưng với việc diễn ra đại trà như lâu nay thì rõ ràng là chuyện… bất thường, không chỉ của ngành giáo dục mà của cả xã hội. Việc mới đây chính quyền TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành chủ trương không cho phép dạy thêm từ năm học 2016 - 2017 thể hiện thái độ khá mạnh mẽ, quyết liệt đối với vấn nạn này. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy chủ trương cấm nói trên ngay lập tức đã gặp phải những ý kiến phản ứng khá gay gắt từ phía giáo viên và nhà trường.
“Dạy thêm học thêm” hiện vẫn đang là một nhu cầu có thật của xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu này lại bị dư luận xã hội lên án là vấn đề cần quan tâm một cách nghiêm túc. Trước hết là ngành giáo dục phải hết sức cầu thị, khẩn trương xem xét, đánh giá hoạt động “dạy thêm học thêm” một cách khoa học, khách quan, sát thực tiễn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Trong đó, việc xây dựng nội dung, chương trình, khối lượng kiến thức cần thiết phù hợp với thời gian dạy học trên lớp, học bài ở nhà của thầy và trò là thiết thực nhất để giảm thiểu học thêm vì gánh nặng chương trình. Điều quan trọng là học sinh học tập chủ động, phát triển khả năng tự học và nhất là cả thầy và trò không phải “dạy thêm học thêm” đến mức quá tải như lâu nay.
H.Đ