Chiếc đồng hồ quả quýt cũ
* Truyện ngắn của DƯ TRẠCH MẪN (Trung Quốc)
Tạ Ba Đức là một nhà giám định đá quý nổi tiếng. Ông mở một cửa hàng kinh doanh đá quý, làm ăn rất phát đạt. Hiện tại, điều ông suy nghĩ là người con nào có đủ sức kế thừa gia nghiệp. Với người làm nghề giám định đá quý, chẳng những phải có kỹ năng chuyên nghiệp tinh thông và vốn tri thức uyên bác mà còn phải có chút thiên phú về nghề nghiệp.
Trong số các con của Tạ Ba Đức, không còn nghi ngờ gì nữa, người con trai út Tạ Tư Đan là người có thiên tư như vậy. Tư Đan sớm bộc lộ thiên tư, từ nhỏ, chỉ cần xem qua cậu cũng nắm chắc được tám, chín phần phẩm chất các loại đá quý, kể cả sự khác biệt giữa đá thật và đá giả…
Nhận ra điều đó, Tạ Ba Đức âm thầm bồi dưỡng cho người con út, thường xuyên đưa Tư Đan đến các cuộc triển lãm, các cuộc bán đấu giá các loại đá quý, giảng giải cho cậu về các loại đá quý trên thế giới và các kỹ xảo giám định chúng. Cuối cùng, ông cho cậu sang Pháp và Thụy Sĩ nâng cao chuyên môn.
* * *
Có cậu con trai thông minh, tài năng như thế, lẽ ra lão Tạ hoàn toàn không phải lo lắng gì về người kế nghiệp mới phải. Nhưng Tư Đan lại khiến cho ông không mấy yên tâm. Là bởi cậu quá đỗi nhân hậu, bao dung.
Từ nhỏ, Tư Đan đã là một đứa trẻ hiền lành, chân chất. Ở nhà, anh chị cậu nêu ra bất cứ yêu cầu gì, dù là rất tùy hứng, cậu cũng vui vẻ đáp ứng ngay. Ở trường, cậu không hề tiếc sức giúp đỡ người khác. Nhưng theo sự tìm hiểu của riêng mình, lão Tạ nhận thấy những gì các anh chị Tư Đan yêu cầu cũng như những “khó khăn” mà các bạn đồng học nhờ vả, thường là chuyện lớn, thậm chí có vài chuyện rất lớn. Nói cách khác, họ chỉ muốn lợi dụng lòng tốt của Tư Đan!
Mỗi khi có cơ hội, Tạ Ba Đức lại khéo phân tích chuyện giả giả chân chân với Tư Đan, hy vọng cậu có thể nhận ra điều đó để có thể thay đổi cách hành xử. Nhưng Tư Đan không hề thay đổi. Tạ Ba Đức biết đó là bản tính bẩm sinh của Tư Đan.
Phàm làm người, lương thiện, bao dung ắt là tốt. Nhưng ngược xuôi trên thị trường đá quý đầy rẫy những kẻ ngụy tạo, bịp bợm, người như Tư Đan dễ thành miếng mồi ngon cho kẻ khác. Ta Ba Đức vô cùng lo lắng. Ông biết, nếu Tư Đan không thay đổi tính thì thật khó mà lập thân bằng chính nghề nghiệp mà cậu đã theo đuổi, chứ chưa nói gì đến chuyện hoằng dương gia nghiệp.
Năm Tư Đan 22 tuổi, điều lo lắng của Tạ Ba Đức cuối cùng đã thành sự thực!
Năm đó, Tư Đan vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu làm việc tại cửa hàng đá quý của cha. Một sáng nọ, lão Tạ có việc phải ra ngoài, chiều về thì nghe các nhân viên cửa hàng nói lại, Tư Đan đã dùng mười vạn bảng Anh để mua chiếc đồng hồ quả quýt kỷ niệm lễ đăng quang của Quốc vương Thụy Điển thế kỷ XVII. Tạ lão gia vào phòng, mở chiếc rương bảo hiểm, quả nhiên thấy một chiếc đồng hồ quả quýt. Vỏ đồng hồ và sợi dây đeo đều bằng bạc nguyên chất, chạm khắc hoa văn tinh tế. Mặt sau chiếc đồng hồ có khắc huy hiệu của Hoàng gia Thụy Điển và năm sản xuất. Đích thị hàng thật.
Nhưng tim Tạ Ba Đức đột nhiên đập thình thình. Ông mang chiếc đồng hồ đến trước ngọn đèn bàn xem xét tỉ mỉ. Về mặt chất lượng, có thể khẳng định, chiếc đồng hồ này đúng là sản phẩm kỷ niệm ngày lễ đăng quang của Quốc Vương Thụy Điển thế kỷ XVII. Một sử liệu cũ chép rằng, nhân lễ đăng quang ấy, Quốc vương Thụy Điển cho chế mười chiếc đồng hồ có thiết kế riêng, dành tặng mười vị đại thần có công lao hiển hách của vương quốc. Để đề phòng ngụy tạo, Hoàng gia Thụy Điển lúc đó đã triệu mười người thợ giỏi nhất và các nghệ nhân nổi tiếng trên lĩnh vực chế tác đồng hồ về triều, giao cho mỗi người chịu trách nhiệm một bộ phận. Các tay thợ giỏi nhất nước mất hai năm ròng rã để hoàn thành những chiếc đồng hồ quý hiếm đó. Việc vừa xong, Quốc vương hạ lệnh tiêu hủy bản thiết kế và mô hình mẫu chiếc đồng hồ này. Những chiếc đồng hồ đăng quang ấy, vì thế rất quý.
Nghĩ tới đây, Tạ Ba Đức mỉm cười thích thú. Xem ra, tầm nhìn của cậu con trai út không tồi chút nào. Vả lại, giá mua cũng hợp lý. Tiếp đến, Tạ Ba Đức dùng ngón tay gẩy nhẹ lên vỏ chiếc đồng hồ, nghe một tiếng “tách”, cái vỏ bật ra. Khi ánh mắt của Tạ lão gia dõi theo chiếc kim đồng hồ, nụ cười trên môi ông chợt đông cứng lại!
Tạ Ba Đức biết rằng, tại mỗi điểm ghi giờ trên mặt đồng hồ đều có gắn một viên kim cương phát ra những màu sắc tuyệt vời khi có ánh sáng chiếu vào. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến giá của nó cao ngất ngưởng. Thế nhưng, trên chiếc đồng hồ mà Tạ Tư Đan vừa mua, chỉ có 12 viên kim cương nhân tạo!
Tạ Ba Đức ngơ ngác nhìn chiếc đồng hồ thật lâu, đoạn thở dài. Mười vạn bảng Anh đối với ông không phải là nhỏ, nhưng vẫn có thể bù đắp được. Điều khiến ông đau đớn chính là sai lầm mà Tư Đan phạm phải. Đừng nói chi đến những nhà giám định chuyên nghiệp, ngay cả những nhân viên bình thường cũng không thể phạm sai lầm như thế. Sao Tư Đan lại phạm sai lầm nghiêm trọng ấy…
Ngay tối hôm đó, Tạ Ba Đức gọi Tư Đan vào thư phòng, đặt chiếc đồng hồ trước mặt cậu:
- Cha rất muốn biết vì sao con lại phạm phải sai lầm sơ đẳng đến như vậy?
Tư Đan im lặng một hồi lâu, đoạn từ tốn đáp:
- Có một ông cụ đưa chiếc đồng hồ này cho con. Nó đúng là chiếc đồng hồ mà Quốc vương Thụy Điển tặng cho mười vị đại thần trong lễ đăng quang. Song những viên kim cương đã bị hoán đổi. Con biết giá cao nhất cũng chỉ đáng một vạn, nhưng ông cụ lại ra giá mười vạn bảng Anh. Ông cụ sẽ chẳng bao giờ đem bán món đồ gia bảo ấy nếu không vì con gái ông sắp đính hôn với một công tử nhà giàu. Cụ ấy cần một món lớn để làm của hồi môn xứng đáng cho con gái yêu. Ta thiệt chín vạn, nhưng lại giúp một cô gái có được cuộc sống hạnh phúc, cũng là việc nên làm, thưa cha?
Tạ Ba Đức nghe xong nổi giận, quát:
- Đồ ngu! Sao con lại dễ tin người như thế? Sao con dám chắc là người ta không lừa con?
Tư Đan suy nghĩ một lúc rồi bình tĩnh đáp:
- Thưa cha, từ bé con đã nhìn được kim cương, nay đã nhìn được người, thưa cha. Con biết chắc ông cụ không lừa con, vì lẽ trong ánh mắt ông cụ tràn đầy yêu thương và niềm khát khao chờ đợi giống như ánh mắt của cha đang nhìn con lúc này, thưa cha!
Nghe con giãi bày, Tạ lão gia nguôi giận. Ông nhìn cậu con trai trong lòng dâng lên niềm yêu thương xen lẫn nỗi lo lắng. Tư Đan quả là một đứa trẻ tốt bụng nhưng chính vì lòng tốt đó, nó không thể kế thừa gia nghiệp của ông được! Trong cuộc đời này, có hằng hà sa số những người cần được giúp để có cuộc sống hạnh phúc, làm sao giúp cho hết, giúp ai mà rồi sẽ bỏ ai đây?
Sáng hôm sau, hai cha con cùng tới cửa hàng đá quý như thường lệ. Vừa bước vào cửa hàng đã thấy một cô gái trẻ đứng đợi. Cô gái thưa chuyện với Tư Đan một lúc rồi đưa tờ ngân phiếu hôm qua cậu đã ký thanh toán, nói:
- Thành thật xin lỗi ông. Chiếc đồng hồ quả quýt cha tôi bán cho cửa hiệu không hoàn hảo như nguyên gốc, không đáng giá mười vạn bảng Anh. Mấy năm trước, để chữa bệnh cho mẹ, tôi đã lén bán 12 viên kim cương trên chiếc đồng hồ đó rồi thay thế bằng kim cương nhân tạo. Cha tôi không hề hay biết điều này!
Nghe cô gái nói thế, hai cha con Tạ Ba Đức bất giác nhìn nhau.
Tư Đan nói:
- Ồ, tiểu thư! Cha cô có nói rất rõ ông cần số tiền này để làm gì, nên tôi…
Cô gái cảm động nhìn Tư Đan, nói:
- Em cám ơn lòng tốt của ông, nhưng em đã không cần đến nó nữa rồi. Hôn phu của em, sau khi biết gia đình em phá sản, đã hủy hôn ước. Nói xong, cô gái nhẹ nhàng đặt tờ ngân phiếu vào tay Tư Đan: Em thật lòng biết ơn ông!
Cô gái ra về. Tư Đan quay lại thưa với cha mình:
- Trước đây, cha từng dạy con, phải biết đối xử với đá quý như đối xử với con người! Đá quý thật hay giả phải được phân biệt thông qua màu sắc và chất lượng, mà tấm lòng thành thực mới chính là chất của con người. Vì vậy, cần có lòng thành thực mới nhận ra được, phải không cha?
Tạ Ba Đức mỉm cười. Cậu con trai út của ông đã trưởng thành thật rồi, đã bắt đầu có cách nhìn nhận độc lập, ông đâu cần phải lo lắng nữa. Ông nói nhỏ:
- Cha còn có chiêu này dạy con đây. Hãy đưa trả chiếc đồng hồ mà cô ấy quên cầm về, nhớ đưa cô gái về đến tận nhà nhé. Đó là một cô gái tốt, cần có một chàng trai tốt làm bạn!
Mặt Tư Đan đỏ bừng. Anh chàng vui vẻ làm theo lời cha…
TRÀ LY (Dịch)