Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa ngày 10.7 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 là một trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội thông qua. Tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn này là 7.399 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và huy động nguồn xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là ít nhất so với các chương trình mục tiêu khác.
Tổng kinh phí này được đầu tư thực hiện 6 dự án là dự án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích; dự án điều tra sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; dự án tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; dự án hỗ trợ phát triển hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; dự án đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống; dự án tăng cường năng lực cán bộ cơ sở, truyền thông, giám sát đánh giá thực hiện chương trình. Trong số 6 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, có 2 dự án mới được phê duyệt là dự án hỗ trợ phát triển hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; dự án đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được Chính phủ cho phép thực hiện từ năm 2012. Đến nay dự án đã hỗ trợ xây dựng 5 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, đồng thời hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho 25 điểm khác. Dự án đầu tư phát triển nghệ thuật truyền thống bắt đầu triển khai từ năm 2012 đã giúp các đơn vị này bổ sung trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động chuyên môn; tập huấn cho các diễn viên, góp phần cổ vũ cho các diễn viên trẻ... Sau 3 năm thực hiện, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi đã góp phần đưa cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa hòa nhập vào cuộc sống xã hội nói chung, mở rộng giao lưu, hội nhập trong nước, quốc tế, góp phần tạo nên sự phong phú trong kho tàng văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế của nền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Việc cung cấp, hỗ trợ các trang thiết bị, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở các cấp đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thông qua các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng địa phương. Các di tích, di sản này đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc thù, thu hút được nhiều du khách trong nước, quốc tế, góp phần vào phát triển ngành du lịch, kinh tế-xã hội ở địa phương, tạo nguồn thu lớn, việc làm cho cộng đồng. Đội ngũ đông đảo những người làm công tác văn hóa cơ sở đã hình thành, góp phần cùng nhân dân gìn giữ, phát huy kho tàng di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại... Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cùng nhiều đại biểu dự hội nghị đã nêu rõ điểm khó khăn lớn nhất khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 3 năm qua chính là vấn đề kinh phí. Ngân sách Trung ương chi cho các Chương trình mục tiêu chỉ mang tính chất hỗ trợ, phần còn lại phải do địa phương bố trí, huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện cho đúng các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện huy động nguồn vốn địa phương, vốn xã hội hóa thực hiện Chương trình còn rất hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn cho xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị phục vụ hoạt động của trung tâm văn hóa, thể thao các cấp. Trong 3 năm qua, tổng nguồn vốn địa phương cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới đạt khoảng 651 tỷ đồng trên tổng số 2.116 tỷ đồng cần huy động cho cả giai đoạn; nguồn vốn xã hội hóa là gần 66 tỷ đồng. Nhiều địa phương gặp khó khăn, không bố trí được vốn đối ứng thực hiện hoặc bố trí không hợp lý cho Chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến một số mục tiêu không được triển khai hoặc có triển khai nhưng lượng vốn nhỏ hơn, không cân xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...
Theo Thanh Giang (TTXVN)