DN nợ tiền thuê lại đất tại 2 KCN Phú Tài và Long Mỹ:
Ðòi không được, kiện cũng chẳng xong
Tình trạng nợ tiền thuê lại đất gắn kết cấu hạ tầng (gọi tắt là tiền thuê lại đất) tại 2 Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài và Long Mỹ (TP Quy Nhơn) nhiều năm của không ít doanh nghiệp (DN) đã gây khó khăn cho công tác tái đầu tư hạ tầng KCN, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, chưa có chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề trên.
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Phú Tài nợ tiền thuê lại đất đối với chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định.
- Trong ảnh: Công ty TNHH Mỹ Tài là một trong những DN đang nợ tiền thuê lại đất.
30% DN chây ì nợ
Ông Mai Tiến Sĩ, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định - trực thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, chịu trách nhiệm đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN Phú Tài và Long Mỹ - cho biết: Trong 133 DN đang thuê lại 306,1 ha đất tại 2 KCN Long Mỹ và Phú Tài để sản xuất, kinh doanh, thì có đến 40 DN nợ 34 tỉ đồng tiền thuê lại đất, chiếm tỉ lệ 30%. Trong số này có những DN chây ì nhiều năm không trả. Đơn cử, Công ty CP Thương mại sản xuất Khải Vy (KCN Long Mỹ) thuê lại 7 ha đất từ năm 2005, đến nay tiền nợ lũy kế chủ đầu tư đã trên 5 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP Thương mại sản xuất Duyên Hải hiện còn nợ trên 6 tỉ đồng tiền thuê lại 10 ha đất.
“Năm 2014, chúng tôi khởi kiện Công ty TNHH Như Ý tại TAND tỉnh, yêu cầu DN này thanh toán nợ và di dời toàn bộ tài sản ra bên ngoài, trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng DN này đang bị một ngân hàng kê biên tài sản. Trước đó, năm 2012 Công ty CP Thương mại sản xuất Duyên Hải cũng đã bị kiện ra tòa yêu cầu trả nợ tiền thuê lại đất. Bản án tuy đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành án được vì DN không có tài sản để thi hành án” - ông MAI TIẾN SĨ, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định, nói.
Theo ông Vương Phiêu Linh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN bị thua lỗ, khó khăn kéo dài. Nhưng cũng có một số DN, dù có khả năng trả nợ, vẫn cố tình chây ì hoặc trả nhỏ giọt nhằm mục đích chiếm dụng vốn. Trong khi đó, Công ty - chủ đầu tư KCN - không có chế tài nào để xử lý việc này ngoài việc khởi kiện DN ra tòa. Tuy nhiên, khi bản án có hiệu lực lại phát sinh nghịch lý, cơ quan thi hành án không thể thi hành án được vì DN không còn tài sản để thi hành án mà tài sản đã được chủ DN mang đi thế chấp ngân hàng. Ngoài ra, cũng có trường hợp, DN đã tạm dừng sản xuất hoặc đang bị ngân hàng kê biên tài sản nên chủ đầu tư không đòi được.
Cần kiên quyết xử lý
Theo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định, việc các DN nợ hàng chục tỉ đồng tiền thuê lại đất kéo dài qua nhiều năm đã và đang gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc nâng cấp, đầu tư phát triển hạ tầng các KCN. Ngoài ra, trong khi nhiều DN đang cần đất để đầu tư xây dựng, tiến hành sản xuất, kinh doanh, thì việc một số DN chây ì, không chịu thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước về tiền thuê lại đất mà lại chưa bị xử lý là bất hợp lý.
“Vì vậy, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu DN phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính; chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực thi pháp luật và các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Đối với những DN nợ tiền thuê lại đất kéo dài hoặc chây ì thanh toán thì cho phép chủ đầu tư được quyền không cho DN sử dụng hạ tầng theo như cam kết trong hợp đồng”- ông Linh nói .
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho rằng: “Các DN dây dưa, chây ì không chịu nộp tiền thuê lại đất, trước mắt, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bình Định nên căn cứ vào hợp đồng để làm hồ sơ khởi kiện ra tòa. Căn cứ vào kết quả phán quyết của tòa, chúng tôi sẽ có hướng xem xét có thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với DN hay không. Về lâu dài, tôi nghĩ chủ đầu tư nên nghiên cứu cho thuê lại đất với những DN đảm bảo năng lực”.
Trong số 40 DN đang nợ tiền thuê lại đất, có hơn 20 DN nợ từ 1 tỉ đồng trở lên. Ðiển hình là một số DN như: Công ty TNHH Hoàng Phát (nợ 2 tỉ đồng), Công ty CP VRG Ðá Bình Ðịnh (1,7 tỉ đồng), Công ty TNHH An Nhơn (1,2 tỉ đồng), Công ty TNHH Như Ý (1,6 tỉ đồng), Công ty TNHH Thanh Bình (1,5 tỉ đồng), Công ty CP luyện cán thép Việt Mỹ (2,6 tỉ đồng), Công ty CP Ðiện VNECO 10 (1,3 tỉ đồng), Công ty TNHH Mỹ Tài (1,7 tỉ đồng)... Thậm chí, một số DN còn không chịu đối chiếu công nợ tiền thuê lại đất như: Công ty TNHH Việt Ý, Công ty CP Xây dựng điện VNECO 10, Công ty TNHH Cô Như, Công ty TNHH MTM, Công ty TNHH Hoàng Tâm, Công ty TNHH Phú Hiệp, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ tiến Ðạt, Công ty TNHH Như Ý...
TRỌNG LỢI