Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn: Chung tay đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho học sinh
Nhiều hoạt động học tập, giáo dục truyền thống đa dạng cho học sinh sẽ được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức, với mục tiêu tạo “tương tác” hiệu quả hơn giữa bảo tàng với học sinh và đưa bảo tàng đến với học sinh.
Đây là nội dung Kế hoạch phối hợp về đẩy mạnh học tập, giáo dục truyền thống tại Bảo tàng đối với học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn TP Quy Nhơn giai đoạn 2016 - 2020 vừa được hai đơn vị ký kết.
Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống
Những năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có sáng kiến gửi thư ngỏ đến các trường học mời giáo viên, học sinh đến thăm quan. Nhờ vậy, đã có thêm nhiều đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh ở TP Quy Nhơn và các huyện trong tỉnh đến với Bảo tàng.
Học sinh đến xem trưng bày hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Nhiều thầy cô giáo ở các trường nhìn nhận, các hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng là những tư liệu lịch sử chân thực, sống động, rất bổ ích với hoạt động học tập ngoại khóa của học sinh. Một số trường còn cho học sinh viết thu hoạch, ghi nhận những kiến thức, cảm tưởng sau khi thăm quan Bảo tàng.
Hiệu quả giáo dục đối với học sinh khi đến thăm quan, học tập tại Bảo tàng đã được thực chứng. Tuy nhiên, số lượng các trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn đến với Bảo tàng chưa nhiều và thường xuyên như mong đợi. Điều này cho thấy, sự chủ động về phía Bảo tàng là cần nhưng chưa đủ, nếu không có sự quan tâm từ phía các trường. Do đó, việc ký kết Kế hoạch phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn sẽ giúp Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử Bình Định và di sản văn hóa dân tộc đến với học sinh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Theo kế hoạch, Bảo tàng sẽ phối hợp với Phòng GD&ĐT xây dựng chương trình và triển khai các hoạt động học tập tại Bảo tàng và tại các trường học. Phòng GD&ĐT sẽ quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các trường học trên địa bàn thành phố thực hiện học tập ngoại khóa tại Bảo tàng. Qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố trong việc tham gia tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh tại Bảo tàng”.
Sẽ có nhiều hoạt động đa dạng
Theo Kế hoạch phối hợp, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trưng bày, đủ điều kiện tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Hàng năm, Bảo tàng tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, gắn với ứng dụng các thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ công tác trưng bày và thuyết minh phục vụ học sinh. Website phục vụ công tác giáo dục cũng sẽ được xây dựng để giáo viên, học sinh có thể truy cập, tìm hiểu thông tin về các hiện vật và nội dung trưng bày tại Bảo tàng. Các buổi thuyết trình liên quan đến nhiều chủ đề trưng bày cũng sẽ được Bảo tàng tổ chức, chẳng hạn như chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam” nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6).
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện có 15.000 hiện vật, với những bộ sưu tập hiện vật khá đồ sộ, có giá trị. Bảo tàng đã dần bổ sung, chỉnh lý hệ thống trưng bày có diện tích gần 1.000 m2, tạo diện mạo trưng bày với nhiều sắc thái, gồm 5 phòng trưng bày về: “Các nền văn hóa Bình Định”, “Gốm sứ Champa và gốm sứ Bình Định”, “Mỹ thuật điêu khắc Champa giai đoạn Vijaya”, “Bình Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, “Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ”. Ngoài không gian trưng bày cố định, Bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với các hiện vật độc đáo, đa dạng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Dù nguồn kinh phí đầu tư còn khiêm tốn, thời gian đến, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ cố gắng hình thành trong khuôn viên trưng bày về các hiện vật gắn với các làng nghề truyền thống của tỉnh; tiếp tục chỉnh trang, bổ sung hệ thống trưng bày và mời các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia các hoạt động truyền nghề, thực hành, trình diễn các loại hình di sản của địa phương. Khi ấy, học sinh đến với Bảo tàng sẽ được xem các buổi trình diễn nhạc cụ dân tộc, hát bội, bài chòi; tham gia các lớp tập làm nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát, làm gốm... ”.
Bảo tàng còn xây dựng kế hoạch đưa Bảo tàng đến với học sinh ngay tại trường học thông qua các mô hình bảo tàng lưu động; tổ chức các buổi nói chuyện về di sản văn hóa; tổ chức chương trình sinh hoạt CLB Em yêu lịch sử, thi tìm hiểu về các chủ đề có liên quan đến các nội dung trưng bày tại Bảo tàng. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức chương trình Về nguồn, để tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
“Bảo tàng sẽ chủ trì, phối hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động, hướng dẫn thực hành cho học sinh về kỹ năng nhận thức giá trị di sản, tìm hiểu về các di sản và hệ thống sưu tập hiện vật tại Bảo tàng” - ông Ngọc cho biết thêm. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh có sự “tương tác”, thể hiện những kiến thức, nhìn nhận của chính các em sau khi tham gia các hoạt động học tập, giáo dục truyền thống do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp tổ chức.
HOÀI THU
Tòa soạn có thể cho em biết nội dung của từng phòng không?