Quy Nhơn: Phát hiện di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại Hải Giang
Trong đợt khảo sát tìm các di tích khảo cổ mới đây tại khu vực bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn), các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã phát hiện nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể như ốc, sò, trong đó có lẫn những mảnh gốm Sa Huỳnh ở khu vực thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải.
Di chỉ phát hiện là một vùng cồn cát xen lẫn đầm nước ngọt, nằm trong thung lũng, ở phía Nam bán đảo Phương Mai, giáp với vũng vịnh tự nhiên khá kín, cách bờ biển khoảng 1 km.
Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn...
Hầu hết các hiện vật thu thập được là đồ gốm. Trong đó, có các mảnh miệng vò với loại hình loe xiên thành miệng tròn và miệng loe xiên thành miệng vát. Ngoài ra, còn phát hiện mảnh miệng nồi.
Mảnh thân đa phần là các mảnh gốm thô pha nhiều cát sạn; gốm mỏng màu đen, màu đỏ và màu vàng. Hoa văn trang trí chủ yếu là văn khắc vạch, văn chải, với những đường xiên chéo đan nhau và một số mảnh văn thừng. Đáy chủ yếu là của vò gốm và có hai mảnh chân đế bát bồng. Tất cả là những mảnh gốm này thuộc văn hóa Sa Huỳnh.
Trong số những mảnh gốm thu thập được, còn có các mảnh gốm mịn, màu trắng và vàng nhạt, xương gốm chắc, trang trí ô vuông, có niên đại thế kỷ II - III. Đặc biệt, có cả các mảnh gốm Gò Sành niên đại thế kỷ XIII - XV.
...và những mảnh gốm Sa Huỳnh phát hiện ở đó.
Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại Hải Giang thuộc dạng cồn bàu ven biển, có tầng văn hóa tích tụ dày đặc các loài nhuyễn thể. Khu vực Hải Giang một mặt giáp biển, một mặt giáp với những vạt rừng chân núi, có nguồn nước ngọt phong phú nên cư dân có thể đã sinh sống tại đây từ rất lâu, khoảng thời kỳ Sa Huỳnh đến thời kỳ Chăm muộn.
Hiện nay, khu di chỉ này vẫn còn nhiều giá trị nghiên cứu. Tuy nhiên, do đang nằm trong khu quy hoạch xây dựng các công trình du lịch nên di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại Hải Giang đứng trước nguy cơ bị xâm hại.
HOÀNG NHƯ KHOA